Rồi mọi thứ sẽ ổn
Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ những dòng tự sự của Đinh Trang.
Tôi đã từng đặt câu hỏi cho mình, sau cùng ta sẽ lưu lại gì ở chốn nhân gian? Có người hỏi và loay hoay tìm câu trả lời hoàn hảo từ ai đó hoặc từ chính họ. Rồi cũng có người dần nhận ra đáp án từ cuộc sống xung quanh. Cũng có người đã nhìn ra con đường mình muốn đi và những gì muốn lưu giữ. May mắn sao nếu ta tìm được một người giỏi hơn và chính họ lại muốn truyền lửa cho mọi người xung quanh.
Tôi tự nhận rằng mình may mắn trong con đường sự nghiệp. Một chặng hành trình ít gặp trở ngại, nhiều quý nhân giúp đỡ. Vậy nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với từng kết quả mà tôi đạt được. Việc tự khen ngợi chính bản thân là một điều khá xa xỉ trước đây. Tôi đã luôn nghiêm khắc nhìn vào những vấp ngã và sai sót của bản thân để yêu cầu mình phải nỗ lực hơn nữa. Chính sự khắt khe đó đã đẩy tôi tiến về phía trước với mong muốn bản thân đủ mạnh mẽ, vững vàng làm chỗ dựa cho cả gia đình. Và cũng chính nó mang đến những dao động bất an trong cảm xúc cá nhân khi tôi chưa học được bài “biết đủ”. Cho đến một ngày, tôi nhận ra không ai yêu cầu tôi phải mạnh mẽ. Người thân của tôi chỉ mong tôi biết thương lấy mình trước tiên. Tôi hạnh phúc đã đủ làm mẹ tôi yên lòng. Tôi bình an cũng đủ giúp con cái tôi bình an.
Trên chặng hành trình đi tìm lấy đam mê và làm giàu cảm xúc viết, tôi cũng luôn may mắn gặp được những anh chị sẵn lòng chìa tay ra giúp đỡ. Con đường hiểu bản thân và nói ra cho bên ngoài hiểu cảm xúc của mình cũng lắm gian nan. Tôi sợ đúng sai, sợ bị đánh giá, sợ điều tiếng dư luận... Tôi quen thể hiện sự cứng cỏi và hoàn hảo ra bên ngoài lâu đến độ tôi quên mất tôi cũng là một người phụ nữ có trái tim yếu mềm.
Khi tôi gặp đúng những người truyền lửa, tôi đã bật khóc khi cảm xúc mình được chạm. Tôi đã dễ dàng thoát ra sự bó hẹp trong suy nghĩ của bản thân với góc nhìn rộng mở hơn qua từng cuộc gặp gỡ. Và tôi cũng nhìn ra được sự khác biệt của mình không có gì sai trái. Tôi chấp nhận sự loay hoay của mình cũng giống như sự loay hoay của vô vàn những con người ở ngoài kia. Họ cũng đôi khi phải loay hoay với cuộc đời của họ. Họ cũng có những góc khuất và trăn trở rất riêng. Không hề có mẫu số chung cho sự hoàn hảo. Không hề có mẫu số chung cho sự khổ đau. Cũng chưa hẳn có mẫu số chung cho hạnh phúc. Nhưng có thể thấy đa phần những người chạm đến hạnh phúc khi họ được cháy hết mình với đam mê. Tôi gọi họ là những người truyền lửa.
Sự may mắn của tôi là khi tôi cần học hỏi điều gì, tôi chìa tay ra sẽ gặp những người bạn sẵn lòng giúp đỡ. Họ chăm sóc tôi từng câu chuyện nhỏ nhặt đến những trăn trở trong đời. Họ dành những buổi sáng cuối tuần, đạp xe đạp ba mươi phút để đến nhà tôi từ sớm, dẫn dắt tôi những bước chạy thể dục đầu tiên. Họ hỏi tôi “chị có thể giúp gì cho em?” khi biết tôi đang gặp khó khăn. Họ có thể thẳng thắn góp ý những điều chưa đạt để giúp tôi tiến về phía trước. Họ lựa lời và quan tâm chăm sóc đến cảm xúc cá nhân của tôi khi mở lời góp ý. Tôi biết họ đủ tinh tế để nhìn ra tôi cũng chỉ là một con người mong manh luôn thích chui ngược vào vỏ ốc phán xét đúng sai khi gặp vấn đề. Họ có khi chỉ cần ở đó, tĩnh lặng lắng nghe không phán xét. Họ là những con người góp phần giúp tôi bình lặng sau những biến cố cá nhân.
Nhớ hôm gặp mặt ở một buổi giao lưu các cây viết trẻ, tôi đã vui vì gặp được những con người cởi mở, năng động. Một nhà văn nói cái điều thật giản dị: “Cha mẹ cho ta hình hài và tên họ. Nhưng chính con chữ viết ra giúp ta lưu giữ được những trường ký ức. Mỗi bài viết ra lưu giữ và làm đẹp thêm tên họ cha mẹ ban cho.” Tôi khóc vì tôi nhận ra, tôi cũng muốn lưu giữ thật nhiều ký ức đẹp về người cha quá cố của mình thông qua con chữ.
Bằng cách này hay cách khác, tôi gặp gỡ những người truyền lửa như vậy. Để tôi tin lòng tốt luôn luôn hiện hữu, chỉ cần ta chìa tay ra nói điều ta mong muốn. Để tôi tin cuộc sống không chỉ có cơm áo gạo tiền mà còn có niềm vui, trân trọng cảm xúc bản thân. Để tôi tin khi biết mình đang chông chênh, sẽ có một bờ vai, một cái ôm ấm áp vỗ về và mọi thứ sẽ ổn./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0