Nhớ một người thầy

Tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội mấy hôm nay là tình cảm tiếc thương và đau buồn của mọi tầng lớp nhân dân trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Như một cách tự nhiên, một sự thôi thúc từ bên trong, mọi người đều muốn bằng nhiều cách và nhiều hình thức để bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình.

Tình cảm, sự chia sẻ mà người dân trên mọi miền đất nước dành cho ông và gia đình ông thực sự là minh chứng sinh động cho lòng dân đối với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng mà họ thực sự tin yêu, kính trọng. Tất cả đều rất thật, rất chân thành và tự nguyện.

“Nhớ một người thầy”- là những kỷ niệm về nghề đáng nhớ mà nhà báo Võ Đăng Thiên có được sau 13 năm làm báo ở Tạp chí Cộng sản, nơi có vị Tổng Biên tập Nguyễn Phú Trọng đáng kính.

Toàn cảnh buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản ngày 9/6/2012. Ảnh: Tạp chí Cộng sản

Nhớ một người thầy

Nhà báo Võ Đăng Thiên

"Là một người làm báo, lại có hơn 13 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản những năm 80, 90 của thế kỷ trước, trong đó có 9 năm làm việc dưới quyền ông Nguyễn Phú Trọng, cảm xúc của tôi trước tin ông từ trần có nhiều điểm đặc biệt hơn nhiều người khác.

Tôi vào công tác ở Tạp chí Cộng sản ngay sau khi tốt nghiệp đại học, vì vậy, 13 năm ở Tạp chí Cộng sản là toàn bộ tuổi thanh xuân của tôi. Những bài học đầu tiên mang tính nhập môn, cơ bản về nghề báo tôi học từ đây. Những bài báo đầu tiên tôi viết và những đồng nhuận bút đầu tiên được nhận, những chuyến công tác đầu tiên thâm nhập thực tế xuống các địa phương, làm việc với các bộ, ngành để tác nghiệp báo chí là với tư cách phóng viên, biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Đó là những tháng ngày đẹp nhất.

Và trong những năm tháng đó, tôi mãi ghi nhớ công ơn, ân tình, sự giúp đỡ, rèn giũa của các đồng nghiệp tiền bối, đàn anh, các vị lãnh đạo của Tạp chí Cộng sản. Trong đó, không thể không nhắc đến những kỷ niệm của tôi với vị lãnh đạo đáng kính: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trọng là người tôi tiếp xúc đầu tiên khi đến xin vào cơ quan. Ông cũng là người dạy tôi những khái niệm, những kiến thức, bài học cơ bản đầu tiên về báo chí khi ông vào dạy chuyên đề báo chí cho sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi lúc đó vừa tốt nghiệp, xin vào học dự thính. Có lẽ cũng từ cái duyên đó mà sau này, khi đã về công tác ở tạp chí, ông vẫn luôn quan tâm chỉ bảo, uốn nắn cho tôi, giúp tôi trưởng thành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết lưu bút tại Phòng truyền thống Tạp chí Cộng sản, ngày 9/6/2012. Ảnh: Tạp chí Cộng sản

"Ông Trọng là người tôi tiếp xúc đầu tiên khi đến xin vào cơ quan. Ông cũng là người dạy tôi những khái niệm, những kiến thức, bài học cơ bản đầu tiên về báo chí khi ông vào dạy chuyên đề báo chí cho sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội."

Nhà báo Võ Đăng Thiên

Thời cuối những năm 1980, giao thời giữa bao cấp và đổi mới, cả tòa soạn chỉ có chưa đến 60 người, đều nghèo như nhau nên luôn có sự gắn kết, quan tâm, đầm ấm như một gia đình.

Ông Trọng là lãnh đạo cao nhất, luôn dành sự quan tâm cho các cán bộ trẻ, trong đó có tôi. Được ông cho đi theo dự nhiều cuộc họp, nhiều chuyến công tác địa phương, mỗi lần như vậy, ông lại chỉ bảo cho tôi nhiều điều.

Tạp chí Cộng sản là tạp chí lý luận, chính trị của Trung ương Đảng nên yêu cầu rất cao về năng lực, kiến thức, bản lĩnh của phóng viên, biên tập viên. Vì vậy, ông Trọng luôn yêu cầu các cán bộ trẻ như tôi phải học tập không ngừng, học lý luận, học nghiệp vụ, học từ thực tế. Ông uốn nắn tôi từ những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng về nghề nghiệp.

Còn nhớ, năm 1990, tôi đi dự Hội nghị về xóa nạn mù chữ và phổ cập tiểu học ở đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dự và phát biểu. Sau đó, tôi viết bài, trong đó có chi tiết dẫn phát biểu của ông Kiệt, đại ý: Người dân đồng bằng sông Cửu Long không có truyền thống về học hành, dân trí còn thấp và nạn mù chữ vẫn còn nhiều. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần có quyết tâm cao và giải pháp quyết liệt.

Ông Trọng đọc, gọi tôi lên phòng bảo: "Viết thế này không ổn, phải sửa đi". Tôi báo cáo: "Đây là cháu dẫn lời bác Kiệt". Ông nhẹ nhàng nói: "Bác Kiệt là dân gốc đồng bằng sông Cửu Long, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bác phát biểu trong hội nghị như thế là đúng, nhưng mình viết, đăng thế này là nhạy cảm, dễ gây phản ứng từ địa phương".

Chi tiết nhỏ nhưng đi theo tôi suốt cuộc đời làm báo như một bài học về sự cẩn trọng và tính nhạy cảm nghề nghiệp.

Hôm nay, tôi nhớ về ông không chỉ như một vị lãnh đạo, vị Tổng Biên tập đầu tiên mà còn như một người thầy đầu tiên về nghề báo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên khoá 8 Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì). Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Một mối kết nối tình cảm thứ hai của tôi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cựu sinh viên khoa Văn gặp nhau trước đây chỉ tự hào dân khoa Văn ra trường làm tổng biên tập, phó tổng biên tập báo, giám đốc nhà xuất bản, trưởng ban tuyên giáo địa phương. Gần đây thêm một niềm tự hào rất chính đáng: làm Chủ tịch Quốc hội, làm Tổng Bí thư. Đó chính là nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một điều rất đáng quý nữa là thời ở Tạp chí Cộng sản, ông Trọng cũng luôn thể hiện sự tự hào là cựu sinh viên khoa Văn. Và tôi được biết sau này, lúc đã lên đến những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông vẫn giữ sự kết nối gần gũi và thân tình với các bạn đồng khóa khoa Văn của mình, luôn cố gắng tham dự đầy đủ những cuộc gặp của các bạn cùng khóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN năm 2010 nhân dịp Nhà trường kỷ niệm 65 năm truyền thống và đón nhận danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

"Lúc đã lên đến những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông vẫn giữ sự kết nối gần gũi và thân tình với các bạn đồng khóa khoa Văn của mình, luôn cố gắng tham dự đầy đủ những cuộc gặp của các bạn cùng khóa."

Nhà báo Võ Đăng Thiên

Khóa 8 khoa Văn Tổng hợp của ông Trọng có nhiều người theo nghề báo và thành đạt. Có thể kể ra đây một số tên tuổi: Ông Dương Đức Quảng; Dương Quang Minh, nguyên Vụ trưởng và Vụ phó Vụ Báo chí Văn phòng Chính phủ; Ông Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Tiến Hải, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ông Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân; các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng: Vũ Huyến, Chu Chí Thành.

Dù từ những góc nhìn nào: một nhà báo, một nhà lãnh đạo báo chí, một cựu sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp, ta cũng có thể thấy hiện lên chân dung con người Nguyễn Phú Trọng với những phẩm chất, những hình ảnh thật đáng quý. Đó là một nhà báo tài năng, một người lãnh đạo có tâm có tầm, và là một đồng nghiệp, một người bạn tình cảm thủy chung với tất cả những ai đã từng có dịp công tác, học tập cùng ông.

Thật khó nói hết cảm xúc đau buồn, mất mát với sự ra đi của một con người, không chỉ là một nhà lãnh đạo đáng kính của Đảng và Nhà nước, mà sâu đậm hơn, đó còn là một người thầy, một thủ trưởng cũ mà mình từng gắn bó, chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mỗi lần nghĩ đến lời hẹn về Thủ đô, có một người lại có cảm giác mình đang mắc nợ. Hà thành nhẫn nại đợi chờ, Hà thành chẳng bao giờ cất tiếng đòi cô phải thực thi món nợ đã kéo dài suốt hai thập niên. Nhưng cô lại thấy mình như kẻ thất hứa.

Tan làm về muộn, tôi đi chầm chậm qua những con đường thoáng rộng của Hà Nội, ngắm nhìn vẻ đẹp tĩnh lặng và sâu lắng của Thủ đô, vẻ đẹp mà ban ngày tôi không thể nhìn thấy. Hít hà hương bao loài hoa nhẹ nhàng thoang thoảng đâu đây, cảm nhận một thoáng heo may lướt nhẹ qua bờ vai, tôi biết, mùa thu đã về.

Thỉnh thoảng có một người vẫn hay ngồi một mình trong không gian vắng lặng, vặn ánh đèn vừa đủ sáng, chỉnh âm lượng vừa đủ nghe. Cô cứ ngồi đó thả hồn theo làn khói của nụ trầm hương, vấn vương những điều muốn quên, muốn nhớ. Khó mà nói được những lúc như vậy, cô buồn hay vui, chỉ biết là có một khoảnh khắc nào đó cô có thể dành trọn vẹn cho mình mà không bị chi phối bởi một ai hay điều gì khác. Khúc nhạc ngày thường bỗng trầm lắng bao suy tưởng, thực sự khi chỉ có một mình, ta vô tình nắm bắt được những thứ mà khi ồn ào vội vã ta đã lướt qua nhanh.

Có một cô gái, muốn kể cho người thương của mình về chuyện tình yêu của ông bà cô - một câu chuyện tình dài hơn 70 năm. Cho đến lúc mắt đã mờ, chân đã run, ông bà vẫn sớm tối bên nhau.

Có một người sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo trên mảnh đất miền Trung. Ở đó, lớp lớp người trẻ khi trưởng thành đều chọn vào Nam lập nghiệp mà chẳng mấy ai ra Hà Nội. Bởi vậy, Thủ đô Hà Nội từ nhỏ trong cô là một nơi xa xôi, trang nghiêm. Được đặt chân đến mảnh đất ngàn năm văn hiến dù chỉ một lần là niềm mơ ước mãi đến năm hai mươi sáu tuổi cô mới thực hiện được.

Bạn có bao giờ từng đứng giữa phố phường ồn ả, cố gắng len lỏi qua dòng xe chật ních như mắc cửi, để đuổi theo một người? Không phải vì trông hao hao bóng dáng thân quen nào đó. Bạn biết chắc người ta với bạn hoàn toàn xa lạ. Bạn mải miết đuổi theo, chỉ vì người ta đang mặc bộ đồ bà ba, mà lâu lắm, bạn mới nhìn thấy giữa chốn thị thành.