Đêm nghe tiếng còi tàu

Tiếng còi tàu đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của gia đình tôi. Với má, tiếng còi tàu thay cho chiếc đồng hồ để má biết tới giờ cơm nước cho ba, gọi bọn nhỏ đến trường hay đến giờ ra vườn cuốc cỏ. Còn với ba, khi tàu dừng lại ở sân ga cũng là lúc ba tranh thủ đưa những bó củi khô lên toa tàu. Và những tiếng còi tàu ấy đã theo suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng còi tàu rúc lên từng hồi inh ỏi. Chắc có lẽ đã lâu tôi không về lại ngủ nhà ba má thành thử ra tiếng còi tàu trở nên xa lạ với mình. Tôi mở mắt, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn treo trên vách thấy má vẫn còn ngồi trên ghế. Không muốn cho má biết mình thức giấc, tôi im lặng nhìn má và tự hỏi: "Phải tuổi già má đâm ra khó ngủ hay những tiếng còi tàu làm má trầm tư?".

Hồi đó, má theo ba vào đây sinh sống đúng nghĩa hai bàn tay trắng. Ở nơi rừng thiêng nước độc không giống với quê nhà. Không ruộng lúa ngô, cũng không đồ dùng tử tế. Có lẽ thứ tài sản lớn nhất trong căn chòi lụp xụp nằm gần đường ray tàu lửa là cái cưa tay và cái rựa của ba. Vậy nên cả nhà chỉ còn biết bám víu vào rừng và những chuyến tàu đêm làm kế sinh nhai.

Ảnh minh họa: Kiến trúc và đời sống

Tôi nhớ như in độ một hai giờ sáng khi tàu hàng sắp vào ga rúc còi inh ỏi. Má lật đật gọi em gái tôi thức dậy trông em. Đứa em gái nhỏ chỉ mới bảy, tám tuổi nghe kêu là bật dậy tựa lưng vào thành giường, mắt nhắm tay đưa võng mà không cần đợi má phải gọi lần thứ hai. Sinh ra trong cảnh nghèo khó, thiếu trước hụt sau làm cho mỗi đứa trẻ ở nơi rừng núi này đều nhận ra hoàn cảnh của mình từ rất sớm và chúng tôi không phải ngoại lệ. Tàu dừng lại ở sân ga cũng là lúc ba tranh thủ đưa những bó củi khô lên toa tàu. Má sửa soạn một vài vật dụng cần thiết cho hành trình hơn trăm cây số.

Nhiều khi ngồi nghĩ lại, tôi thấy niềm vui của anh em tôi hồi đó cũng giống hai đứa trẻ trong tác phẩm của nhà văn Thạch Lam là đợi những chuyến tàu. Nhưng nếu hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam chỉ đợi chuyến tàu đêm thì anh em tôi lại đợi bất kỳ chuyến tàu nào trong ngày mỗi khi mình có thể. Buổi sáng đoàn tàu khách chạy qua, anh em tôi sẽ men theo đường ray mà nhặt nhạnh những thứ người ta vứt lại. Đó có thể là chai nước, hộp xốp hay đôi dép đứt quai. Buổi chiều, anh em tôi ngồi đợi má trở về. Còn ban đêm là được nhìn thấy ánh sáng từ trên tàu hắt xuống, đếm thử đoàn tàu có bao nhiêu toa rồi lại nghĩ về một nơi rất xa tàu sẽ ghé qua. Phố thị. Ở đó chắc giàu có, nhộn nhịp và mơ ước một ngày mình xuôi theo những chuyến tàu đặt chân đến đó.

Anh em tôi lớn dần lên, má cũng không còn neo mình trên những chuyến tàu đêm đi bán củi nhưng tiếng còi tàu đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của má. Chỉ cần nghe tiếng còi từ xa, má đã biết chuyến tàu nào sẽ chạy ngang qua và bây giờ là mấy giờ. Với má, tiếng còi tàu thay cho chiếc đồng hồ. Nghe tiếng còi, má biết tới giờ cơm nước cho ba, gọi bọn nhỏ đến trường, đến giờ ra vườn cuốc cỏ. Nhiều khi ngồi bên cạnh nghe tiếng còi, má nói tên từng chuyến tàu sắp chạy qua làm anh em tôi há mồm kinh ngạc. Má cười bảo nghe mãi, thấy mãi rồi thuộc chứ không có gì lạ. Chuyến tàu nào chạy cũng có giờ chứ không phải như xe. Má không lạ nhưng mà anh em tôi thấy lạ, bởi đến mãi bây giờ cũng chỉ mới phân biệt được tàu khách với tàu hàng.

Ảnh minh họa: Quân Nguyễn Chanel

Và tiếng còi tàu còn là cái cớ để má ngồi chờ mỗi khi anh em tôi về trễ lúc chập chững bước vào đời, hay có những cuộc vui bất chợt làm mình quên mất thời gian. Thế nên mỗi khi bước về đến nhà dù là tôi, thằng Tư, hay thằng Năm đã cố gắng nhẹ nhàng mở cửa thì vẫn thấy má ngồi tựa lưng trên ghế bao giờ. Má kêu ngủ rồi nhưng tiếng còi tàu to quá nên giật mình ra đây ngồi. Không nói nhưng đứa nào cũng thừa hiểu má không tài nào chợp mắt khi thấy những đứa con của má đêm khuya chưa trở về nhà. Đứa nào cũng tự thấy mình có lỗi nhưng lỗi lầm ấy lại nhanh chóng quên đi, để những lần má chờ cứ nhiều thêm đến mức không ai còn nhớ nổi.

Bây giờ anh em tôi cũng được coi là tạm trưởng thành cho nỗi lo của má phần nào vơi bớt. Nhưng rồi mỗi đứa lại mỗi nơi có cuộc sống riêng, thoảng khi mới trở về nhà trong vài ba ngày ít ỏi. Trong ngôi nhà xưa cũ chỉ còn lại má, ba và những chuyến tàu đi qua rúc còi inh ỏi. Phải đâu đêm dài hiu quạnh quá, má lấy tiếng còi kia để làm bạn với mình./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Noel năm đó, có người lính không thể dắt tay người yêu mình hòa vào dòng người đông đúc hướng về Nhà thờ Lớn. Anh cũng không kịp tặng cô món quà Giáng sinh ấm áp. Đời lính là vậy đó! Yêu lính, em sẽ phải tập hy sinh nhiều lắm...

Có một người lính tự nhận mình là người không được yêu. Trong câu chuyện của anh, thường thì những người lính như anh bây giờ, ít có cô gái nào chịu làm người yêu vì sự khô khan, ít nói, nghèo và nhất là không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc người phụ nữ của mình. Nhưng có một cô gái lại không hoàn toàn đồng tình với anh. Và rồi cô đã phản bác lại anh…

Mỏng manh, bé nhỏ và khiêm nhường nhưng in đậm trong ký ức tuổi thơ những đứa trẻ lớn lên từ đồng bãi ven sông, như thể nắng của cả mùa đông về tụ lại bên sông, rắc lên vồng cải nơi đồng bãi quê mình. Màu vàng của trời, màu xanh của cây hòa cùng màu nâu trầm của đất mẹ làm nên bức tranh cánh đồng hoa cải.

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.