Khì Khà – chó cưng của tôi

Tôi có một chú chó cưng tên là Khì Khà. Con chó vện siêng năng, hiền lành, biết thương yêu và nghe lời tôi. Nó thường theo tôi đi khắp mọi nơi không rời. Có lần tôi rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp, nghe tin mẹ báo bị mất con Khì Khà khiến tôi đau lòng khóc dữ. Khi lần đầu tiên được nghỉ phép về quê, như một phép màu tôi gặp được chú chó cưng của mình.

Sau tốt nghiệp trường Nông nghiệp, tôi sắm túi thuốc làm nghề thú y. Cái nghề tuy cực khổ nhưng tự do, hợp với tính cách của tôi. Tôi thích nuôi chó và yêu chó con. Nhìn lũ chó con bú no rồi ngủ, thương lắm. Cái mặt non mềm ngây thơ, chỉ biết mừng ngoắc đuôi chạy lại khi có người đến gần.

Cô Thu là một khách hàng ruột, vì nông trại cô nuôi nhiều gia súc. Chó mèo, gà vịt ngan ngỗng, bò heo có đủ. Nhà cô ở vùng đất rộng giữa vườn đào xanh mát. Một hôm cô bảo tôi phải đi bắt lũ chó con về. Chó mẹ đào hang đẻ ngoài bờ khe, sợ nước lũ ngập tụi nó chết hết. Tôi theo ra bờ khe. Con chó mẹ nằm trên miệng hang, hiền lành. Thấy người lạ cũng sủa vài tiếng lấy lệ. Nghe cô Thu nói đừng sủa, chị hay lên nhà mình. Nó thôi không sủa nữa nhưng nhìn tôi cảnh giác. Cô Thu dùng cây cuốc nhỏ nhẹ tay moi dần khoảng bốn, năm gang tay mới thấy ổ chó. Đàn chó con nằm quây tròn ngủ khì trong hang đất thật tội nghiệp. Toàn một lũ vện bé xíu, cái lỗ mũi với bốn bàn chân đỏ đậm thật dễ thương. Lần lượt bảy con chó con được bỏ vào thúng mang về nhà. Chó mẹ lúng búng chạy theo sau, vừa chạy vừa rít lên khe khẽ. Tôi gạ gẫm, khi nào tụi nó biết ăn, cô cho cháu xin một con.

Đàn chó vện con. Ảnh minh họa

Một lần tôi đến trại cô Thu tiêm phòng cho dê, thấy lũ chó con đã biết ăn cơm. Chó mẹ đi đâu lũ chó con chạy theo đến đó. Chó mẹ ốm trơ xương sườn, xương sống, còn lũ con thì mập mạp bóng mướt. Chó con đã ăn mạnh, cô cho cháu một con. Cô Thu lựa cho tôi con chó cái nhỏ và gầy nhất. Cháu biết cách chăm sóc thì nuôi con này. Nó nhỏ quá không biết giành sữa, giành cơm lại mấy đứa kia.

Mang con chó nhỏ về nhà mà tôi lo, mua cho cả thùng sữa nhạt để nó khỏi thèm. Nhưng nó ăn cơm cũng mạnh. Lúc rảnh rỗi, tôi thường nằm võng đu đưa nghĩ ngợi chuyện trên trời dưới đất. Chuyện về tương lai cuộc đời và cả chuyện làm sao nuôi con chó khôn lớn. Tôi ẵm nó lên võng nằm cho ấm, rồi lại đi làm việc.

Con chó vện siêng năng, hiền lành, biết thương yêu và nghe lời tôi. Nó thường theo tôi đi khắp mọi nơi không rời. Tính nó hiếu động hay đuổi bắt thú ở ven rừng, về nhà thì ra bờ rào đuổi bắt rắn mối, chuột. Hồi đó nhà tôi thêm nghề nấu rượu bỏ mối. Nồi nào nấu xong cũng phải nếm xem rượu ngon hay dở, mỗi lần nếm rượu tôi thường khà một tiếng. Con chó nghe khà thì sủa lên vẻ thích thú. Đôi mắt tròn trong veo, cái đầu nghiêng nghiêng. Có lần, tôi đổ rượu cặn trong bình ra, nó chạy tới uống một hơi ho sặc sụa, lúc sau say mềm, ngủ liền một ngày không dậy làm tôi lo thắt ruột. Từ đó tôi đặt tên nó là Khì Khà.

Ảnh minh họa

Chia tay người yêu mười năm, tôi buồn rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Con Khì Khà không thể mang theo, nên tôi nhờ mẹ chăm sóc. Bữa đó tôi ra quốc lộ đón xe, Khì Khà len lén chạy theo sau, tôi đuổi mấy lần nó mới chịu quay về. Một tháng sau, thấy mẹ gọi điện vào nói Khì Khà đi đâu mấy bữa nay không thấy về ăn cơm. Hồi này mấy kẻ trộm chó hoành hoành dữ lắm, hay nó bị chúng bắt? Tôi nghe tin, khóc bù lu bù loa ngay tại phòng trọ làm mấy đứa bạn ngạc nhiên hỏi nhà có ai gặp nạn gì sao? Tôi nói con chó cưng của mình bị bắt trộm, tụi bạn phá lên cười làm tôi đau lòng càng khóc dữ. Nỗi buồn dần cũng nguôi ngoai. Thi thoảng, tôi mới nhớ tới con Khì Khà.

Lần đầu tiên được nghỉ phép, tôi lên xe giường nằm về quê, chạy suốt một ngày một đêm thì tới. Vừa bước xuống điểm dừng xe, tôi cất tiếng gọi xe ôm, bỗng nghe tiếng sủa quen thuộc từ trong sân một nhà cạnh đường. Một con chó vện to lớn chạy hồng hộc ra chồm lên người tôi. Tôi chưa kịp hét lên thì nhận ra con Khì Khà, nó lè lưỡi liếm khắp mặt tôi, vẫy đuôi mừng rỡ.

Ảnh minh họa

Bà chủ nhà tất tả chạy ra quát. Con chó không nghe cứ ôm chặt lấy tôi rên ư ử. Tôi hỏi bà chủ nhà, sao con chó của tôi lại ở nhà cô. Bà chủ nhà nói mấy tháng trước, thấy nó nằm tối ngày dưới gốc đào nhà cô mấy ngày liền. Thấy nó đói tội nghiệp, cô mang cơm cho ăn dần dỗ dành nó vào nhà ở. Tôi ôm lấy con Khì Khà khóc hu hu như con nít. Thì ra nó ra đây để chờ tôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.