Phiến quân Syria tuyên bố chính quyền Tổng thống Assad kết thúc

Theo CNN, phiến quân Syria Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) sáng 8/12 tuyên bố đã chiếm thủ đô Damascus, nói rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã kết thúc, đánh dấu "một kỷ nguyên mới" cho Syria.

Lực lượng này nói rằng sự sụp đổ của chính quyền là khoảnh khắc tự do sau nhiều thập kỷ đau đớn. Nhóm phiến quân đồng thời tuyên bố Tổng thống Bashar al-Assad đã rời khỏi thủ đô Damascus.

"Gửi tới những người Syria ở nước ngoài trên toàn thế giới, một đất nước Syria tự do đang chờ đợi các bạn quay về", nhóm phiến quân ra thông báo.

Nhiều người ủng hộ phiến quân đã trèo lên khí tài quân chính phủ bỏ lại, ăn mừng ở quảng trường Ummayad, trung tâm Damascus.

Các tay súng phiến quân đã chiếm Damascus.

Trước đó, quân nổi dậy tuyên bố đã tiến vào thủ đô và kiểm soát Nhà tù quân sự Saydnaya khét tiếng ở phía bắc Damascus, kiểm soát tòa nhà Phát thanh và Truyền hình ở thủ đô.

Chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Cận đông và Nam Á, ông David Des Roches nhận định nhóm phiến quân nhanh chóng chiếm được hàng loạt thành phố ở Syria trong cuộc tiến công chớp nhoáng là do quân chính phủ Syria thiếu nhuệ khí và năng lực lãnh đạo.

Ông Al-Julani, thủ lĩnh quân nổi dậy HTS, nói rằng các tổ chức công của Syria sẽ tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Thủ tướng Syria. Lãnh đạo HTS cho biết tất cả các lực lượng đối lập ở Damascus bị cấm tiếp quản các tổ chức công, "những tổ chức này sẽ tiếp tục dưới sự giám sát của cựu Thủ tướng cho đến khi được bàn giao chính thức".

Thủ tướng Syria lên tiếng

Trong một thông điệp được ghi âm vào sáng 8/12, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali cho biết chính phủ của ông sẵn sàng "hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân lựa chọn”.

Ông cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ban lãnh đạo nào do người dân lựa chọn, cung cấp mọi hỗ trợ có thể để đảm bảo quá trình chuyển giao chức năng của Chính phủ diễn ra suôn sẻ và có hệ thống, đồng thời bảo tồn các cơ sở của nhà nước”.

Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali.

Ông Ghazi al-Jalali kêu gọi người dân Syria bảo vệ các cơ sở công cộng, nói rằng chúng thuộc về tất cả công dân. “Tôi đang ở nhà, không rời đi và không có ý định rời đi trừ khi vì lý do hòa bình để đảm bảo hoạt động liên tục của các cơ quan công quyền, cơ sở nhà nước và để truyền tải thông điệp về an ninh, an toàn cho mọi công dân”, Thủ tướng Syria nói.

“Chúng tôi dang rộng vòng tay với mọi công dân Syria quan tâm đến việc bảo vệ tài sản của quốc gia này. Tôi kêu gọi mọi công dân không làm hỏng bất kỳ tài sản công nào, vì cuối cùng, chúng thuộc về họ”.

Lãnh đạo phiến quân ra tuyên bố kêu gọi lực lượng phiến quân không gây tổn hại đến các thể chế nhà nước.

Phiến quân Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) là ai?

Liên minh phiến quân Syria bao gồm các phe phái Hồi giáo. Bất chấp những khác biệt, họ đoàn kết chống lại chế độ của Tổng tống Assad, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.

Người sáng lập HTS, Abu Muhammad al-Jolani, từng là nhân vật tham gia vào cuộc nổi dậy ở Iraq chống lại Mỹ, với tư cách là thành viên của một nhóm cuối cùng đã trở thành Nhà nước Hồi giáo IS. Trong quá khứ, HTS mang tên Jabhat al-Nusra hoặc Mặt trận Al-Nusra. HTS sau đó đã tuyên bố trung thành với Al-Qaeda. Nhóm công khai cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda vào năm 2016 và đổi tên thành Hay'at Tahrir al-Sham, hay Tổ chức Giải phóng Levant. 

Abu Mohammed al-Jolani, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Syria HTS.

HTS hiện là phe phiến quân mạnh nhất ở Syria và đang kiểm soát Idlib, nơi có khoảng 4 triệu người sinh sống. Lực lượng này có trong tay khoảng 30.000 quân.

HTS bị Mỹ và các nước phương Tây xem là một nhóm khủng bố, tuy nhiên có vẻ nhóm không có tham vọng toàn cầu. Dù sao, vẫn có những quan ngại nghiêm trọng về nhân quyền trong khu vực mà nhóm này kiểm soát, bao gồm cả việc hành quyết những người bị buộc tội liên kết với các nhóm đối thủ.

Lịch sử của cuộc nội chiến ở Syria

Cuộc nội chiến ở Syria bùng phát vào tháng 3/2011 khi hàng nghìn người Syria được truyền cảm hứng từ các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập đã xuống đường phản đối chính phủ Tổng thống Assad và kêu gọi cải cách dân chủ.

Hơn một năm sau, vào tháng 6/2012, Liên hợp quốc tuyên bố rằng cuộc chiến ở Syria là một cuộc nội chiến toàn diện.

Tình trạng bất ổn sau đó đã dẫn đến một cuộc nổi dậy có vũ trang, cuối cùng đã biến thành một cuộc nội chiến gây chia rẽ với nhiều phe phái phiến quân tham gia, được các thế lực trong khu vực hậu thuẫn.

Tham gia vào bức tranh hỗn loạn chung còn có hoạt động của các tổ chức thánh chiến cực đoan, bao gồm một chi nhánh của Al-Qaeda và phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cuộc nội chiến đã khiến khoảng nửa triệu người thiệt mạng và làm cho gần 7 triệu người khác phải chạy trốn khỏi đất nước để tị nạn. Những người ở lại đang phải chịu đựng tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Binh lính quân đội Syria thiệt mạng trên một con phố tại thành phố Hama bị chiếm giữ ở Syria, ngày 6/12/2024.

Mặc dù phiến quân từng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Syria, Tổng thống Assad đã dần giành lại quyền kiểm soát khoảng 70% đất nước với sự hỗ trợ lớn từ Nga và Iran.

Phiến quân đã bị giới hạn hoạt động tại một số khu vực ở phía Bắc và Tây Bắc Syria, nơi họ bám trụ nhờ sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến chưa bao giờ dừng lại hoàn toàn, nhưng phần lớn đã rơi vào bế tắc kể từ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian cho lệnh ngừng bắn ở khu vực Idlib tại phía Tây Bắc đất nước vào năm 2020.

Cuộc xung đột sau đó hầu như đã lắng xuống cho đến tuần trước, khi liên minh của nhóm thánh chiến Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lần đầu tiên chiếm giữ một căn cứ chính phủ ở phía tây Aleppo trong ngày 27/11.

Rạng sáng 8/12, Phát ngôn viên quân nổi dậy tại Syria Hassan Abdul Ghani thông báo lực lượng đang tập trung tiến về Damascus sau khi đã chiếm 4 thành phố ở cả phía nam lẫn phía bắc thủ đô, gồm Daraa, Quneitra, Suwayda, Homs. Nhóm này sau đó tiến vào Damascus. Thủ đô Syria thất thủ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã lên tiếng bảo vệ quyết định ban bố thiết quân luật trong đêm 3/12, khẳng định ông sẽ không né tránh trách nhiệm pháp lý và chính trị liên quan đến quyết định này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng chỉ trích đảng đối lập không công nhận Tổng thống được dân bầu và lạm dụng việc luận tội.

EU và nhóm 5 quốc gia Mỹ Latinh tụ nhóm trong liên kết Mercosur - bao gồm Argentina, Brazil, Bolivia, Uruguay và Paraguay vừa đạt được thoả thuận về thành lập khu vực mậu dịch tự do chung.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết duy trì hợp tác với nhóm vũ trang đồng minh ở Syria, trong đó dân quân người Kurd đóng vai trò nòng cốt.

Với 158 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và kéo dài tại Dải Gaza, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã có cuộc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow, tái khẳng định cam kết về mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Nga, trong đó có tăng cường quan hệ quốc phòng, bất chấp những thách thức địa chính trị.

Ngày 11/12, Nga cảnh báo sẽ đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào một thành phố ở phía tây nam nước này, mà Moscow cho rằng có liên quan đến 6 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất.