Chiếc nón của mẹ
Nắng sầm sập hắt xuống mái hiên. Tôi nheo mắt nhìn ra sân, ngần ngại. Quay vào buồng mẹ, tôi kiếm tìm chiếc mũ đội đầu. Không có gì hết. À kia rồi, chiếc nón của mẹ! Chiếc nón lá lặng im trong góc tường, từ ngày mẹ đi...
Đội chiếc nón lên đầu mà tôi quên là ngoài sân chang chang nắng. Có một cơn mưa ngang qua tôi, đưa tôi về những ngày còn mẹ.
Chiếc nón này cũng như bao nhiêu những ảnh hình thân thương khác gợi nhắc dáng mẹ tảo tần. Suốt cả một đời, mẹ chưa từng đội mũ. Ngày đầu tiên chị gái đưa mẹ ra biển chơi mẹ cũng với cái nón mang theo. Mẹ bảo, mẹ không đội mũ đâu, mẹ đội nón quen rồi.
Chiếc nón giấu đi khuôn mặt mẹ mỗi khi ra đường. Chỉ ai lại gần mới thấy rõ. Khuôn mặt dịu hiền duyên thắm, ngay cả khi có cả bầy cháu nội ngoại mẹ vẫn còn hay xấu hổ. Nhớ hồi xưa, lắm hôm tôi chạy vội ra đầu đường mua tạm chai tương, gói bột canh, mẹ lại gọi với theo: "Che cái nón lên đầu con ơi, con gái mà cứ phơi cái mặt ra hoài". Mà trời nào có nắng đâu.
Mãi sau này lớn thêm, tôi mới hiểu cái ý tứ dịu dàng, cái duyên dáng đoan trang của mẹ khi giấu nụ cười, giấu khuôn mặt sau vành nón lá.
Nhưng tôi nhớ nhiều hơn là chiếc nón che cho mẹ những ngày nắng cháy. Mẹ gặt lúa trên đồng, nón lúp xúp, nhấp nhô theo từng động tác. Chiếc nón mẹ đội ra đồng luôn là nón cũ. Nó xam xám, khô nhăn bởi bao nắng mưa sương gió; nó bền bỉ theo mẹ tới đồng xa ruộng gần. Lúc mệt phờ ngồi nghỉ, nón lại trở thành chiếc quạt, theo tay mẹ mang tới những ngọn gió mát lành.
Nhiều hôm khát quá, mẹ đi vội quên mang theo bình nước, nón lại được dùng để vục chút nước mưa đọng trên vũng ruộng giải cơn khát. Mẹ bảo, nước của trời, uống là ngon nhất.
Thương nhiều là chiếc nón ngày mưa. Nhiều hôm gió dữ, nón hụp xuống mặt khiến mẹ loạng choạng lúc cấy lúa, vác đay, hay những lúc mẹ đạp xe về. Mẹ đành lật chiếc nón ra sau, kệ cho mưa táp mặt. Mẹ về tới nhà thì chiếc nón cũng ướt sũng.
Đỡ chiếc nón từ tay mẹ, tôi vội vàng vẩy lia lịa rồi treo lên chiếc đinh cha đóng ở góc hiên. Mẹ bảo phải làm vậy vì nón bị ngấm nước chẳng mấy mà thành chiếc nón xơ xác. Nhưng ngay cả khi nó rách tươm mẹ vẫn không nỡ vứt bỏ. Mẹ dùng đậy ang tương, hay buộc lên con bù nhìn rơm đứng canh ngoài đầu ruộng. Và nếu nó rách nát nhiều hơn nữa, mẹ bảo để đó, phòng khi ai trúng gió hay bé con nhà ai phải vía khóc đêm thì cho họ, đốt lên một chút là hết hẳn.
Thế nên, góc buồng nhà tôi chẳng mấy khi để trống bao giờ. Nhiều lần dọn nhà, tôi toan vứt bỏ lại thôi. Tôi hiểu, mẹ không phải chỉ tiếc rẻ đâu, mẹ níu kéo những thứ đã thủy chung cùng mình đi qua mưa nắng.
Nay về thăm mẹ, tôi bâng khuâng đội chiếc nón lên đầu. Sáu năm mẹ đi, mà lạ, chiếc nón chẳng phai màu. Tôi tự hỏi, có phải nón muốn níu dáng mẹ tôi - người mẹ hiền tần tảo một đời - cho những đứa con xa? Những đứa con chỉ chốc lát về lại thăm nhà, nhưng mang theo là cả dòng sông thương nhớ…
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0