Mẹ và em

Khi cuộc sống hiện đại ngày nay có quá nhiều những áp lực đè nặng lên vai mỗi người, chúng ta nên dành thời gian sống chậm lại, suy nghĩ về những điều giản đơn để mái ấm gia đình không hẳn là nơi chỉ bàn về tiền bạc, về địa vị cao sang, mà đó là nơi dành cho tình mẹ con, tình chị em đầm ấm.

Hồi Ngát học lớp 5 cũng là lúc phải xa mẹ, xa ngôi nhà thân thương và chuyển ra Hà Đông để bắt đầu một cuộc sống tự lập cùng bố. Đến năm học lớp 6, hôm ấy trời lạnh, Ngát về thăm mẹ một mình và được tin mẹ có em bé, đó cũng là lúc mà cô bé hồi hộp chờ đợi em trai mình chào đời.

Năm tháng cứ thế trôi đi, Ngát vẫn tự làm tất cả mọi việc cho bản thân mình. Nhớ mẹ, thương mẹ ở quê một mình, đêm nào cô cũng khóc, không ngủ được. Lúc nào Ngát cũng chỉ mong đến cuối tuần để được về với mẹ, xoa xoa cái bụng tròn tròn của mẹ. Mỗi lần về quê thăm mẹ, hai mẹ con lại hỏi nhau như đã cả năm không gặp.

Vào 28 Tết năm đó, bố của Ngát mới được nghỉ, hai bố con sắp xếp đồ đạc, quần áo về với mẹ. Đêm 30 Tết mẹ cô chuyển dạ. Ngát nghĩ thằng nhóc Đức An này thật gan lì, làm mẹ đau bụng cả ngày mồng một Tết, nó chọn đến chiều mới chui ra khỏi bụng mẹ.

Năm Ngát học lớp 8, em trai cô mới được 7 tháng tuổi. Sáng dậy, mẹ phải đến trường sớm nên cô bé phải đi chợ, nấu bột và cho em ăn, đưa em đi nhà trẻ. Ngày nào cũng vậy, nấu bột xong cũng là lúc cậu em trai thức dậy, cậu em lười ăn, nên mỗi sáng cho ăn là một cuộc chiến giữa hai chị em.

Các cụ bảo “Trai mồng một, gái hôm rằm”. Đức An sinh vào mồng một, có lẽ vì thế mà bướng bỉnh, khó chiều. Tuy nó nghịch ngợm, đôi lúc khiến Ngát bực mình, khó chịu nhưng cô vẫn yêu em hơn tất cả. Hai chị em đã có quá nhiều kỷ niệm, những khoảnh khắc đáng nhớ trong suốt những năm tháng tuổi thơ.

Đối với Ngát, An là đứa trẻ đáng yêu nhất mà cô bé từng gặp trên đời này. Cô yêu cậu em trai bằng tất cả tấm lòng của người chị, có thể lời nói sẽ chẳng bao giờ thể hiện hết được tình cảm cô dành cho em. Ngát thấy cậu em trai đã đem đến cho cô vô vàn điều kỳ diệu và ý nghĩa trong cuộc sống này, kể cả những lúc buồn tủi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bỗng một sớm mai thức giấc, hương dẻ ngọt ngào đã chờ sẵn trên khung cửa sổ màu xám tro cùng chú mèo mun khoanh tròn say sưa bên chồng sách đêm qua tôi đọc còn dang dở. Hương hoa chực chờ cánh cửa vừa hé là vội vàng len vào xâm chiếm cả căn phòng. Căn phòng tôi ngập tràn hương hoa dẻ, ngập tràn tháng tư mang chớm hạ khẽ khàng...

Làm việc thời gian tự do mang cho tôi nhiều trải nghiệm, từ việc sắp xếp thời gian cho công việc, cho gia đình và bản thân. Phải thật khéo léo nếu không rất dễ bị chìm đắm trong những bộn bề mà không có thời gian riêng cho chính mình.

Chiều mưa, hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...".

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.