Cha tôi – thế hệ Điện Biên
Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ câu chuyện của Trần Minh kể về người cha của anh - thế hệ Điện Biên năm xưa.
"Cha tôi thuộc thế hệ đã góp máu xương vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là thế hệ sinh ra và lớn lên dưới ách đô hộ của chế độ thực dân. Họ có lòng tự trọng dân tộc, đau xót và đồng cảm khi thấy đồng bào mình bị bóc lột, áp bức. Họ tự nguyện thoát ly gia đình đi theo cách mạng, đi theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", cùng lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Một bộ phận không nhỏ thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên là lớp cán bộ tiền khởi nghĩa, họ là những "công thần" của chế độ nhưng không mảy may vướng vào thứ chủ nghĩa công thần.
Ngày đó, những người như cha tôi sống trong sáng, sống có lý tưởng, làm gì biết đến tham ô, tham nhũng; làm gì biết đến tha hóa, đồi bại; làm gì biết luồn cúi, nịnh bợ, ô dù để vụ lợi cá nhân... Đó là đánh giá của thế hệ hôm nay khi nhìn về thế hệ chống Pháp như cha tôi. Khẳng khái là đặc trưng tính cách của cha tôi cũng như một số bạn bè cùng thế hệ của ông.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cha tôi là thanh niên xung phong có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, quân yếu phẩm cung cấp cho mặt trận. Cũng như tuyến đường Trường Sơn huyền thoại sau này, tuyến đường vận chuyển lên mặt trận Điện Biên, càng tới gần tuyến lửa càng bị giặc Pháp ném bom đánh phá dữ dội, nhằm chặn đường tiếp viện của quân và dân ta. Trong một lần vận chuyển hàng hóa lên mặt trận, cha tôi không may bị thương, nhưng vết thương không phải do bom đạn giặc gây ra mà do cha tôi bị thụt lầy, khiến một thanh tre xuyên vào bắp chân. Vết thương khá nặng, bị nhiễm trùng, khiến ông sau đó phải đi điều trị.
Lúc khỏi bệnh, cha tôi được điều sang Công an Liên khu I công tác. Tại đây, ông được cấp trên phân công làm nhiệm vụ bí mật, thầm lặng làm kinh tế cho Chính phủ cách mạng và phá hoại kinh tế địch... Hoàn thành nhiệm vụ, theo nguyện vọng cá nhân, cha tôi được điều sang làm việc tại Ty Thương nghiệp Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu.
Một lần, khi còn công tác trong ngành thương nghiệp, ông nhận được giấy mời của cơ quan thương binh xã hội gửi về địa chỉ gia đình, mời ông lên làm chế độ thương binh. Ngày ấy, Nhà nước chưa có chính sách cho thanh niên xung phong như bây giờ. Việc được mời lên làm chế độ thương binh làm ông bất ngờ. Cha tôi tự nhủ với bản thân chắc có sự nhầm lẫn nào đó, vì ông chỉ là thanh niên xung phong, mặc dù vết thương xảy ra trong khi làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, nhưng do không phải là bộ đội chính quy nên ông từ chối không làm chế độ thương binh.
Sau này, khi báo đài đưa tin một số vụ tiêu cực phanh phui các đường dây làm giấy chứng nhận thương binh giả, nhìn vết sẹo to tướng ở chân cha, chúng tôi lại trách ông quá khẳng khái, cha tôi chỉ mỉm cười im lặng.
Sự khảng khái khiến ông còn chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí còn bị ghét. Trong thời gian đương chức, ông làm ở bộ phận thanh tra, nhưng liêm khiết, không lợi dụng công việc để trục lợi. Song do quá thẳng thắn, làm mất lòng cấp trên nên mỗi đợt cơ quan phân đất, phân nhà, ông đều không có tên. Đến khi nghỉ hưu, tham gia công tác tại địa phương, ông cũng luôn nói thẳng, nói thật; đấu tranh với những sai phạm, thiếu sót của lãnh đạo phường. Khi lãnh đạo phường không sửa chữa, ông xin thôi mọi công tác để đỡ phải chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt.
Cha tôi đã khuất bóng. Thế hệ Điện Biên như cha tôi chắc cũng không còn nhiều nữa. Nếu còn thì cũng đều ngoài tuổi chín mươi.
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lật giở những kỷ vật của người cha kính yêu được bọc gói kĩ trong tủ, trong đó có tờ giấy chứng nhận và tấm huy hiệu Thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi nhớ lại hình ảnh thân thương về người cha của mình. Thế hệ của cha tôi mãi mãi là tấm gương sáng ngời về đạo đức, nhân cách, đặc biệt là sự khẳng khái, trong bất cứ việc gì cũng đặt lòng tự trọng cá nhân lên trên hết. Điều đó đáng để các thế hệ tiếp theo phải trân trọng và noi theo./.
Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.
Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.
Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.
Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.
Có người thích ngắm hoàng hôn, những lúc ấy cô thấy hồn mình thật tĩnh lặng. Như rặng núi sau hè nhẹ nhàng chìm vào đêm tối, lối mòn nào bước chân cũng dần xa. Cô hay nhẩn nha, thật ra là không biết làm gì hơn, nhìn mông lung theo ánh nắng buông lơi qua thềm. Mặt trời lặn dần, bâng khuâng ngày khép lại. Ngày mai là một ngày mới, thì thôi đừng nhìn lại, thôi đừng nhớ chuyện đã qua.
Phố lúc nào cũng hối hả. Người vội vã đi làm cho kịp giờ. Người tất bật đón con lúc tan ca. Người chớp nhoáng bán mua. Người gấp gáp giao hàng. Đường tuy rộng mà chật chội, đông đúc. Nắng nóng, khói bụi, kẹt xe, ngập nước… liệu ra phố có gì vui?
0