Giữ gìn nét đẹp truyền thống lễ hội đầu xuân như thế nào? | Hà Nội tin mỗi chiều

Giữ gìn nét đẹp truyền thống lễ hội đầu xuân; Cần bỏ tục đốt vàng mã... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống lễ hội đầu xuân 

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ tới. Tiếp sau những ngày Tết là thời điểm bắt đầu các mùa lễ hội Xuân trên cả nước. Thời điểm này, các ngành, các địa phương đều đang tích cực chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức, quản lý đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Lễ hội là sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức cũng thường xảy ra tình trạng không thật sự văn hóa, như tranh cướp lộc, bài bạc, rải tiền lẻ, đốt vàng mã bừa bãi, mê tín dị đoan…

Thủ đô Hà Nội dự kiến có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Trong đó, phần lớn các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, ngay sau Tết Nguyên đán. Lễ hội Hà Nội được coi là nguồn lực lớn để thúc đẩy thu hút khách du lịch. Du lịch văn hóa là lợi thế của du lịch Hà Nội, luôn nhận được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Thành phố có nhiều lễ hội lớn, mang tính chất vùng miền như Lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Cổ Loa, (huyện Đông Anh)…

Những bậc trưởng lão đang thực hiện các nghi thức khai mạc Lễ hội đền Cổ Loa.

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch từ cuối năm 2023, trong đó yêu cầu việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Các lễ hội hướng tới bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch. Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống...

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành một bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, khái quát thành các nhóm vấn đề như trật tự an toàn giao thông, nhóm dịch vụ hàng hóa, công tác vệ sinh môi trường, việc đi lễ, hành lễ, ăn mặc hay thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội… Mùa lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 là năm đầu tiên Hà Nội cùng cả nước thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Do đó, thành phố Hà Nội nỗ lực để có được một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Do sự thay đổi của các giai đoạn xã hội, nhiều lễ hội bị mai một, nhiều nghi thức truyền thống mất đi khiến cộng đồng dân cư, nhất là các bậc cao niên thường tiếc nuối. Khi địa phương có điều kiện khôi phục lại, nhân dân trong vùng thường rất nhiệt tình, huy động mọi tầng lớp tham gia. Thời gian gần đây, các lễ hội truyền thống, các nghi thức trong lễ hội tại Hà Nội đang dần được hồi sinh. Điển hình phải kể đến lễ hội chùa Láng. Năm 2023, lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa) diễn ra với nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là việc phục dựng, thực hành các nghi thức cổ xưa, từng làm nên nét đặc sắc riêng của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch, kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông, gọi là nghi thức “Độ hà”, rồi tiếp tục sang bờ bên sông, đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu”. Bên cạnh đó, lễ hội chùa Láng cũng khôi phục diễn “Hội Thánh” sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia.

Có thể thấy, các lễ hội truyền thống ở các làng hay trong phố của Hà Nội đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có của lễ hội, đồng thời, khai thác triệt để hơn những gì bị quên lãng hay mai một để các lễ hội truyền thống trở lại như xưa và sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay. Hơn nữa, lễ hội truyền thống luôn đi cùng phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... là nguồn lực để khai thác cho phát triển kinh tế của Hà Nội.

Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng đi lên thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng tăng theo, người ta tìm về giá trị truyền thống cũ cũng nhiều hơn. Việc phục hồi các lễ hội truyền thống không nằm ngoài xu hướng đó, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân.

Cần bỏ tục đốt vàng mã 

Cuối năm, trong số những nghề bận rộn nhất không thể không nhắc tới nghề làm vàng mã. Tâm lý “trần sao âm vậy” nghĩa là người sống sinh hoạt như thế nào thì người dưới âm phủ cũng sinh hoạt như thế đã khiến bây giờ nhiều vật dụng thời hiện đại cũng được “gửi” vào cõi âm. Lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ cao là điều dễ nhận thấy từ tục đốt vàng mã.

Theo con số thống kê sơ bộ, mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với gần 5.800 tỉ đồng. Trung bình vào mỗi dịp Lễ, Tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 50.000 - 100.000 đồng để mua tiền giấy; có những gia đình tiêu tốn từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng để mua vàng mã. Nếu trước đây, tục đốt vàng mã mang tính tượng trưng, mỗi gia đình chỉ cần vài xấp vàng mã cho đủ lễ thì nay nhiều người quan niệm, hàng mã đem hóa vàng “giá trị” cao thì bản thân sẽ được nhận lại lợi ích có giá trị tương ứng, từ đấy lạm dụng việc hóa vàng.

Việc cấm hay loại bỏ vàng mã là rất khó vì đây là một tập tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thế nhưng, khi nét văn hóa ấy “bị” đi quá giới hạn, tín ngưỡng trở thành mê tín thì sẽ lệch chuẩn và gây lãng phí rất lớn. Nếu lạm dụng việc đốt vàng mã, phần tiêu cực sẽ lấn át cả phần tích cực. Đó là chưa kể, việc đốt vàng mã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Thực tế, đã có không ít vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra có nguyên nhân do đốt vàng mã bừa bãi.

Hiện nay, nhà nước không cấm đốt vàng mã, tuy nhiên trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều văn bản về việc hạn chế đốt vàng mã. Năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự, tự viện của Phật giáo. Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa - Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương không đốt vàng mã trong chùa và việc đốt vàng mã cũng không phải là truyền thống của Việt Nam nên các chùa đều có quy định không mang vàng mã vào chùa. Thay vào đó, vào dịp đầu năm hay lúc nào cảm thấy bất an, chúng ta đến chùa và tham gia các buổi lễ cầu an đầu năm, để cầu quốc thái, dân an, cầu bình an cho chính mình và gia đình mình.

Hiện nay, thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm, đốt vàng mã, cũng đã có những ngôi chùa ở Hà Nội đã thay đổi bằng hình thức cầu an. Nội quy của chùa Pháp Vân ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, quy định đầu tiên là không mang vàng mã vào chùa. Điều này đã nhận được sự đồng tình của nhiều Phật tử và nhân dân. Tuy nhiên, ở các đền, phủ, miếu thuộc tín ngưỡng bản địa, việc đốt vàng mã vẫn khó kiểm soát. Thực tế, pháp luật hiện nay chỉ xử lý hành chính đối với hành vi đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích, không có quy định về cấm đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung, tại nhà riêng của cá nhân.

Không thể phán xét niềm tin, tín ngưỡng của mỗi người. Sẽ là mâu thuẫn nếu ở đời thực con người sống không nhân văn, thiếu sự sẻ chia, đồng cảm, nhưng lại cầu kỳ lễ tiết với cõi siêu thực. Tôi tin rằng bình an vốn không nằm ở việc đốt vàng mã nhiều hay ít, mà nằm trong tâm ở mỗi người./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người Hà Nội yêu hoa bằng lăng hơn vàng; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số; Sau trận mưa lớn kéo dài ngày 12/5, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu và gây sạt lở đất ở Ba Vì… là những nội dung số trong chương trình hôm nay.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, sự sống tính bằng giờ; Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia; Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.