Lộ trình hướng nghiệp nên bắt đầu từ bậc tiểu học

Theo báo cáo, trong tổng số lao động thất nghiệp, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ 30,8%

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, trong số còn lại, làm việc liên quan đến ngành đào tạo là 25%, không liên quan đến ngành đào tạo chiếm 19%.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5% trong khi nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...

Các con số thống kê đều cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng ở các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.

Có mặt tại hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chuyên gia hướng nghiệp; Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những ý kiến, bày tỏ quan điểm, đánh giá về công tác hướng nghiệp.

Căn cứ “Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020” của Tổng cục Thống kê năm 2021, Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhấn mạnh cơ cấu tuổi của lao động thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên, trong số lao động thất nghiệp, lứa tuổi từ 20-34 chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 61%, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ 30,8%. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do:

Thứ nhất, sinh viên chọn nhầm nghề, học sai ngành.

Thứ hai, việc hướng nghiệp xa rời thực tiễn bối cảnh nghề nghiệp.

Thứ ba, lao động chưa trang bị được kỹ năng và thái độ để thích ứng, dẫn đến việc không thể gắn bó lâu dài với nghề.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam nói về công tác hướng nghiệp. Ảnh: Trần Lý

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cũng lưu ý một số sai lầm thường gặp của học sinh khi chọn nghề đó là tư tưởng chọn nghề chỉ dựa vào năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế, chọn nghề được xã hội trọng vọng, tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học,…

Từ thực trạng và nguyên nhân như vậy, Phó Giáo sư Trần Thành Nam đã chỉ ra 3 yếu tố để hướng nghiệp hiệu quả đó là: Giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp.

Lộ trình hướng nghiệp nên bắt đầu từ bậc tiểu học

Ngày 23/05/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 07/2022/TT- BGDĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục...Căn cứ vào thông tư này, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia hà Nội) cho rằng:

"Từ tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học đều có yêu cầu về mặt nhận thức khách quan về giáo dục hướng nghiệp.

Vì vậy, lộ trình hướng nghiệp nên bắt đầu từ bậc tiểu học đến đại học với đa dạng các khía cạnh như giáo dục nhận thức, trang bị kỹ năng, sau đó là định hướng nghề nghiệp. Chẳng hạn, ở bậc tiểu học, học sinh có thể học nhận biết một số công việc, nghề nghiệp, tham gia làm công việc thường ngày tại gia đình, nhà trường. Từ đó giúp phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu kịp thời”.

Ngoài ra, theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, quy trình định hướng nghề nghiệp cần trải qua 8 bước, cụ thể như sau:

Bước 1: Xác định điều muốn làm (Thích làm gì? Thích điều gì? Các giá trị mang lại hạnh phúc)

Bước 2: Xác định những khả năng có thể làm tốt (Sức khỏe, tố chất, năng khiếu, năng lực khác)

Bước 3: Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn (Nghề, việc làm, môi trường làm việc, điều kiện làm việc)

Bước 4: Tìm hiểu các tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề (Yêu cầu về sức khỏe, yêu cầu kỹ năng, yêu cầu đặc biệt khác)

Bước 5: Tìm hiểu những khó khăn phải đối mặt (Bản thân, gia đình, cơ hội việc làm)

Bước 6: Đánh giá sự lựa chọn tối ưu (Thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, thống nhất nguyện vọng gia đình và mong muốn của con, thống nhất giữa cơ hội và hoàn cảnh gia đình)

Bước 7: Đăng ký chương trình giáo dục - đào tạo (Xác định bậc đào tạo, xác định uy tín cơ sở đào tạo, xác định các điều kiện cơ sở đào tạo, xác định các lợi thế của cơ sở đào tạo)

Bước 8: Duy trì tích cực (Nỗ lực thực hiện mục tiêu, dành nhiều thời gian cho trải nghiệm nghề, học hỏi người đi trước)

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Liệu. Ảnh: Trần Lý

Cùng bàn về vấn đề này, tại hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận xét, việc hướng nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua công tác hướng nghiệp đang là khoảng trống mênh mông.

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Liệu cho hay, nếu chọn đúng ngành yêu thích, các em sẽ phát huy được năng lực nhưng nếu chọn sai ngành thì sẽ dẫn tới những hệ lụy không chỉ cho sinh viên mà cho cả xã hội vì dẫn đến tình trạng nhân lực thừa hoặc thiếu. Đây cũng là lý do vì sao sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều.

“Muốn hướng nghiệp được thì phải nắm được số liệu, căn cứ vào thực tiễn chứ không phải áp đặt ý kiến chủ quan của bố hoặc mẹ", Phó Giáo sư Nguyễn Quang Liệu nói.

 

Vì vậy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, hướng nghiệp thực sự phải gắn kết giữa gia đình - nhà trường - người học - người lao động - doanh nghiệp.

 

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khởi nghiệp đã trở thành một chuyên ngành đào tạo chính quy của nhiều trường đại học. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học quan trọng, đã trở nên phổ biến.

Tư duy “Không đỗ đại học mới đi học nghề” tồn tại từ nhiều chục năm trước đây, nay đã thay đổi. Lựa chọn học nghề đã trở thành tiêu chí của nhiều học sinh và gia đình, khi nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, có chất lượng cao ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các trường nghề đã có sự đầu tư cả về vật chất lẫn giáo trình đào tạo, gắn liền với thực tế, cũng như nhu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động trong và ngoài nước.

Nếu như trước đây, đại học là con đường duy nhất của phần lớn những học sinh có học lực giỏi thì hiện nay, xuất khẩu lao động đã trở thành lựa chọn nhanh nhất, ngắn nhất của khá nhiều em.

Chứng chỉ IELTS hiện nay được coi như giấy thông hành qua cửa nhiều trường đại học, THPT và cả THCS chất lượng cao. Chính vì vậy, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn cho con học và thi IELTS từ sớm. Điều này gây ra nhiều băn khoăn và ý kiến trái chiều.

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học rơi vào cảnh thất nghiệp hay làm không đúng ngành nghề được đào tạo không còn là chuyện mới trong nhiều năm qua. Nhưng một ngịch lý đã và đang tồn tại, đó là lượng sinh viên ra trường thì nhiều, nhưng lao động có tay nghề lại luôn trong tình trạng 'hiếm'.

Trước tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi đào tạo ở một số ngành tỉ lệ rất cao, mà nguyên nhân chính do sự thiếu đồng bộ giữa chương trình đào tạo của nhà trường và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, nhiều trường đại học đã mời các doanh nghiệp góp ý trực tiếp cho chương trình đào tạo.