Phải dưới cỏ là trái tim thắm đỏ?

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.

Đã có bao giờ ta lắng nghe lời cỏ?

Cỏ vì ai xanh đến tận vô cùng.

Đã khi nào ta giẫm chân lên cỏ?

chợt ngập ngừng sợ đau những mầm xanh…

Cỏ hiện hữu khắp nơi, ở đâu có thể len lỏi được là cỏ sống. Có những loài cỏ chỉ cần một mắt còn sót lại là nó đâm rễ, nảy mầm. Vô tình vài ngày đi qua không để ý, bất chợt một ngày ta ngỡ ngàng bắt gặp một vạt cỏ xanh. Bỗng dưng, lòng thấy lâng lâng.

Chỉ cần một chút rễ mong manh như tơ trời còn vương trên vạt đất, sẽ có một ngày cỏ từ đó trồi lên xuyên qua lớp đất dày, rễ bò ngang, bò dọc mà mọc lên một đám cỏ non. Đó là loài cỏ ấu hay còn gọi là cỏ gấu thơm như vị thuốc của ông ba Tàu trọ trong nhà cụ Mấn ở làng tôi. Ông ba Tàu có nghề bán xì dầu và bốc thuốc. Chẳng hiểu ông phiêu dạt từ nơi nào đến làng tôi thuê nhà để bán hàng, rồi cũng một ngày đầu năm 80 của thế kỷ 20, không thấy ông đâu nữa nhưng vị thuốc có mùi như mùi cỏ ấu cứ ám ảnh tôi đến giờ.

Cây cỏ ấu

Có những hạt cỏ vô tình trú ngụ giữa khe bé xíu của bê tông và đường nhựa, chúng nảy mầm, ra hoa, bay hạt rồi sinh sôi dọc con đường làm thành một hàng cỏ lông chuột màu nâu sẫm, lơ thơ mà mang vẻ đẹp riêng của cỏ. Ngắm những bông hoa đó, tôi nghĩ ngay đến một lọ hoa trên chiếc bàn trà nhưng lại không nỡ ngắt. Chợt nhủ lòng: tôi ơi, hãy để cho cây cỏ bình yên mà trổ hoa dẫu là hoa cỏ. Có loài cây nào kiên cường đến thế, sống hết mình chỉ nhờ giọt bụi mỏng mảnh của thời gian?

Cỏ len lỏi khắp bờ ruộng, ao ngòi, đường làng, ngõ xóm. Đâu đâu có chút chất dinh dưỡng là cỏ bén rễ và sinh sôi nảy nở tầng tầng lớp lớp, đời này qua đời khác. Thế mới biết cỏ có sức sống mãnh liệt đến nhường nào.

Những cây trồng được chăm chút nâng niu mà nào lớn nhanh bằng loài cỏ dại vì chúng biết học cách sinh tồn. Ví như cỏ lồng vực mọc xen vào với mạ, chỉ người nông dân tinh mắt mới nhận biết được chúng. Cho đến một ngày lúa trổ bông thì cỏ cũng trổ bông, lúc này ta mới dễ nhận ra loài cỏ, bông lồng vực bé hơn bông kê, cao vóng lên. Bao nhiêu hạt nhỏ bé rụng ra rồi chìm vào trong đất, chờ đến mùa sau chiếm lĩnh cánh đồng. Cứ như vậy, dù có bị con người ghét bỏ, cỏ lồng vực vẫn ngạo nghễ sinh sôi hết mùa này sang mùa khác, vụ này sang vụ khác mà chẳng cần ai gieo trồng.

Cỏ lồng vực

Hồi còn bé, nhà tôi có một mảnh vườn trồng cỏ tranh hay còn gọi là cỏ gianh. Mùa hè là mùa cắt cỏ. Trước mấy ngày, bà đã mang hết liềm ra ngoài chợ đánh trấu cho thật sắc. Từ sáng sớm, mọi người đã ra vườn, tay liềm cắt xoèn xoẹt nắm cỏ rồi ngả ra phơi thẳng hàng thẳng lối, cỏ cao quá đầu người, đầy sâu róm, bọ nẹt động đến là lăn tròn, xù lông, nghĩ lại vẫn nổi gai ốc. Nhưng chưa sợ bằng  bị ngọn cỏ cứng như mũi kim đâm sột vào chân nhói buốt đến tận óc. Lá cỏ tranh cũng sắc chẳng kém gì dao, lỡ tay vuốt mép lá sẽ bị cứa đứt tay ngay lập tức. Thế nhưng cây cỏ tranh hồi đó được nhiều người dân ở thôn quê trồng để lợp nhà. Những mái nhà được lợp bằng cỏ tranh bền bỉ, đẹp đẽ phơi mình cùng mưa nắng. Trưa hè tháng sáu, trời nắng như lửa nung, đi vào trong nhà lợp mái tranh cảm giác mát rượi. Những ngày trời mưa, tôi và những đứa trẻ thường đón những giọt gianh trong vắt nhỏ vào lòng bàn tay như đón được hạt ngọc long lanh của trời vỡ vụn, mắt cũng long lanh vui sướng. Rễ cỏ tranh mới ăn sâu, xuyên giỏi làm sao, muốn phá bỏ cỏ phải đào, bới thật sâu, nhặt hết từng cái rễ trắng ngà mới mong hết loài cỏ dại này. Ngày nay, hiếm hoi mới thấy một vạt đồi cỏ tranh bởi vì đâu cần lợp nhà như xưa nữa. Khi cần tìm rễ cỏ để làm thuốc cũng khó kiếm ra trò. Những vạt cỏ tranh nở hoa trắng làm nền cho những bức ảnh của các cô gái, những cô dâu chú rể thật tuyệt, có chút gì mềm mại, thơ mộng, lãng mạn hơn trong cái nền xanh hoa trắng ấy. Ngắm ảnh, ta lại khát khao được chìm đắm, bồng bềnh trong cái màu hoa cỏ.

Cỏ gà

Tuổi thơ tôi đằm mình trong cỏ. Chúng tôi chạy nhảy trên những thảm cỏ gà xanh chơi u, chơi đuổi bắt và thả diều những ngày gió lộng. Chúng tôi ngã vào nhau, ngã vào cỏ, đầu tóc lấm lem đất và vương mùi cỏ dại. Những con gà chọi từ cỏ gà hăng máu chiến với nhau là trò chơi thú vị của tuổi thơ xưa. Lũ chúng tôi thích nằm trên thảm cỏ lá tre xanh biếc ở gồ Bạc mà ngắm bầu trời lúc mặt trời đang trốn dần trong các mỏm núi. Chỉ sợ nhất là vô tình lăn vào đám cỏ may. Đêm về tha hồ mà gỡ những bông hoa tím găm đầy quần áo. Có những lúc, tôi như chú dế vô thức ngắt các cọng cỏ non nhâm nhi mà tìm chút hương vị của đồng quê. Cỏ gừng thân tròn, lá cứng hơi cay cay. Củ ấu cay xè. Cỏ mật mùi thơm quyến rũ, ngọt ngào như mật. Rau sam chua khác vị chua của chua me đất... Cỏ đâu chỉ là cỏ mà còn là vị thuốc nam gắn bó với người nghèo nơi thôn dã. Bà tôi thường dùng lá rau má để giải nhiệt, chữa đau mắt...hay lấy cây cỏ chân vịt về đun nước tắm chữa phỏng rạ cho trẻ...

Tôi nhớ mãi lần được về với biển. Cỏ lông chông như những quả cầu gai nơi quê bạn cuốn hút tôi chơi trò đuổi bắt. Những cơn gió biển làm cỏ quay tròn rồi bon bon lăn trên cát, chạy ào xuống biển. Biết đâu, cỏ chạy trốn tôi rồi  muôn nghìn lớp sóng xanh sẽ đưa hạt giống phát tán đến một vùng cát nào đó bên kia đại dương và ở đó lại sinh sôi loài cỏ có hình dạng kỳ lạ này.

Năm tháng qua đi, tôi chẳng thể nào quên mùi của cỏ. Tôi nhớ suối tóc chị mượt mà thơm đầm hương cỏ dại. Cỏ mần trầu với lá hương nhu cứ nồng nã mà thơm ngây dại cả một thời niên thiếu trong tôi. Hồi ấy, anh bạn nhà bên bảo tôi:  Ai tình cờ tìm thấy cỏ bốn lá là may mắn sẽ đến. Lá thứ nhất đại diện cho niềm tin, lá thứ  hai là sự hy vọng, lá thứ ba là đại điện cho tình yêu và lá thứ tư  là sự may mắn. Suốt năm tháng tuổi thơ tôi đi tìm cỏ bốn lá nhưng đâu thấy, chỉ thấy đám cỏ bợ ba lá xanh rờn.  Suốt cuộc đời  này, mấy ai may mắn tìm thấy được loài cỏ có bốn trái tim xanh nhỏ dịu dàng ấy làm bùa chú cho mình?

Cỏ mần trầu

Cỏ dại. Đúng là cỏ dại, cứ vô tư, hồn nhiên, chẳng màng gì đến đẹp, xấu mà ký gửi mình vào đất, nở hoa dâng đời dù biết đời chả có khi nào để ý đến loài hoa dại. Hoa xuyến chi cứ trắng vô tư  mà nở, rồi kết hạt, bay đi, nảy mầm và lại trổ hoa. Màu hoa cỏ cũng có vẻ đẹp riêng của nó, chỉ là ta mải mê ngắm vẻ đẹp của các loài hoa vương giả mà quên đi vẻ đẹp của hoa cỏ bình dị trên mặt đất này. Tôi rất thích màu xanh lam như màu hoa thạch thảo của cỏ chân vịt, màu vàng của hoa sam. Tôi yêu màu tím hồng của khóm hoa cối xay sau cửa sổ bếp nhà tôi, hoa nhỏ xíu, tôi tự đặt tên cho nó là tiểu bích đào. Tôi nâng niu bông hoa màu cam vàng bé xíu của đám cỏ lúp xúp chân đê, chẳng có ai đặt tên cho chúng nhưng chúng đâu cần loài người để ý vẫn đẹp tươi dưới ánh mặt trời.

Trước một vùng trời xanh màu cỏ dại tháng ba, tim tôi chợt thổn thức, có phải đây là "mùa của cỏ" mà tất thảy cỏ khắp nơi đều rộn lên xanh biếc!

Cỏ non xanh tận chân trời - Câu thơ xưa của cụ Nguyễn Du viết về cỏ trong tiết Thanh minh ấy đã nói hộ lời cỏ. Trải qua mấy trăm năm cỏ vẫn xanh như thuở nào. Từ lúc ta lớn lên đi chân trần trên cỏ đến khi từ giã cõi đời, cỏ ôm ấp chở che, bầu bạn cùng ta. Dẫu có đắng đót, hoang dại, cuộc đời mỗi con người chẳng thể nào thiếu cỏ.

Thành cổ - Quảng Trị hôm nay.

Không ít những lời thơ, những bài hát viết về cỏ, nhưng lời bài hát "Cỏ non Thành Cổ" viết về Thành Cổ Quảng trị cứ vang mãi trong tôi:

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ

Nào có ai ngờ nơi đâу một thời máu đổ

...Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ

Xin chớ vô tình với người hу sinh

Trên mảnh đất quê mình.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.

Cỏ xanh gửi tới loài người những bài học không lời về sự giản dị, sức sống phi thường, lòng thủy chung và dũng cảm trước mọi bão giông. Cỏ lặng lẽ hi sinh, thầm hát bài ca vĩnh hằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cỏ vẫn kiên cường mà sống, dâng hiến cho mặt đất, cho cuộc đời những đóa vô ưu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?