Chiếc khăn mùi soa của mẹ
Chiếc khăn tay đó chính là một hiện thân của tình yêu thương mà người mẹ dành cho các con. Và cái cách mà mẹ cô gói tình yêu thương trong chiếc khăn tay ấy khiến bất cứ lúc nào nhớ đến, cô cũng trào lên niềm xúc động.
Nếu có ai đó hỏi vật dụng nào luôn gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc nhất thì tôi không ngại ngần mà nói rằng, ấy là chiếc khăn mùi soa của mẹ.
Mẹ tôi có những chiếc khăn vuông cắt ra từ mảnh vải mậu dịch. Có chiếc nho nhỏ, mẹ gập vuông vắn lại, dùng làm khăn tay để lau thấm mồ hôi. Có chiếc lớn hơn mẹ dùng để buộc làm quai nón. Mẹ bảo làm như vậy vừa tạo độ chắc chắn để nón không bay lật, vừa giúp mẹ tránh nắng. Ban đầu, chiếc khăn có màu trắng ngà, qua thời gian, khăn dần xỉn màu lại.
Mỗi chiều đi làm về, mẹ buông nón, khuôn mặt hồng hào nhễ nhại mồ hôi. Tôi sà xuống lần cởi chiếc khăn ra khỏi nón. Trước khi đem thả vào chậu nước, thế nào tôi cũng đưa chiếc khăn áp lên mặt mà hít hà rồi giắt hai góc vào vành tai mình với điệu bộ giống mẹ rồi lí lắc cười. Thuở ấu thơ, công việc đầu tiên mà tôi biết giúp đỡ mẹ ấy là giặt những chiếc khăn như thế.
Mùi mồ hôi mằn mặn từ chiếc khăn tay buộc nón của mẹ là dư vị yêu thương mà tôi vương vấn suốt thời tuổi thơ. Tôi yêu chiếc khăn ấy bởi nó giữ cho mẹ nước da trắng hồng. Việc giặt khăn mỗi chiều với tôi là niềm vui xen lẫn niềm tự hào vì đã biết giúp mẹ.
Nhưng có lẽ trong ký ức tuổi thơ, tôi lại dành tình cảm đặc biệt sâu đậm với chiếc khăn tay nhỏ của mẹ. Đó là chiếc khăn được mẹ gấp vuông gọn lại bỏ vào túi xách. Có lẽ vì thế mà chiếc khăn giữ được vẻ mới lâu hơn. Nếu như chiếc khăn vuông to kia thấm đượm sự lam lũ tảo tần thì chiếc khăn nhỏ này là hiện thân về đức hy sinh của mẹ. Người mẹ nào chẳng dành hết tình yêu thương cho các con. Nhưng cái cách mà mẹ tôi thể hiện tình yêu thương khiến bất cứ lúc nào nhớ đến, tôi cũng trào lên niềm xúc động.
Hồi ấy bố mẹ tôi đều là cán bộ công chức. Giữa thời bao cấp, cuộc sống ngặt nghèo, có đủ cơm gạo mắm muối đã khó, mong gì thịt cá. Và trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn hôi hổi niềm háo hức chờ trông mỗi lần mẹ bảo hôm nay mẹ đi họp trên huyện. Và cái buổi trưa muộn ấy, nghe tiếng chiếc xe đạp Thống Nhất lọc cọc về đến sân là mấy chị em tôi ùa ra. Mẹ tôi gỡ chiếc túi cước từ ghi - đông xe đưa cho tôi. Tôi mau mắn mang vào nhà, mở túi ra và mắt sáng lên. Trong chiếc túi nhỏ ấy, lẫn với mớ giấy tờ sổ sách, chiếc khăn mùi soa nhỏ không được gấp gọn gàng như mọi khi mà vo tròn thành một bọc nhỏ. Tôi nhanh tay lấy cái bọc đó ra khỏi túi. Hiện ra trước mắt chúng tôi là hai nửa miếng giò, hai ba con cá cơm khô quắt, vài miếng thịt nửa nạc nửa mỡ còn dính mấy hạt cơm. Nhìn lũ con chia nhau nhấm nháp những miếng thức ăn nhỏ bé ấy với nỗi vui sướng thèm thuồng, mắt mẹ ánh lên hạnh phúc.
Mãi đến khi học cấp hai, tôi mới được tìm hiểu về câu thành ngữ “cá chuối đắm đuối vì con” với câu chuyện con cá chuối nhảy lên bờ giả chết, chịu đau đớn dụ lũ kiến bâu cắn thân mình rồi nhảy tùm xuống nước cho đàn con đớp những mồi kiến bé xíu ấy. Và tôi liên tưởng ngay tới những miếng thức ăn hiếm hoi bọc trong chiếc khăn mùi soa của mẹ. Thì ra trong mỗi buổi liên hoan, mẹ gắp miếng thức ăn đưa lên miệng, rồi giả bộ cầm khăn mùi soa lau mặt, khéo léo thả miếng thức ăn vào trong chiếc khăn, vo tròn lại, đút nhanh vào chiếc túi xách bên mình. Rồi mẹ lại giả bộ nhai nhai, nuốt nuốt, nói nói cười cười. Mẹ tránh những ánh mắt tò mò khó hiểu của những người ngồi cùng mâm. Mẹ chỉ nghĩ về những ánh mắt háo hức của lũ con nhỏ ở nhà.
Cuộc sống sau này khấm khá hơn, chúng tôi lần lượt trưởng thành, thi thoảng về bên mẹ, tôi vẫn nhắc lại kỷ niệm về chiếc khăn mùi soa thần thánh ấy. Tôi hỏi mẹ: "Lúc đưa miếng thức ăn lên miệng rồi giả bộ lau mặt để thả miếng giò lát thịt vào khăn, mẹ có sợ người cùng mâm phát hiện ra không?".
Mẹ cười thật hiền, mặt đỏ bừng bẽn lẽn như trẻ nhỏ ăn vụng bị phát giác: "Lần đầu tiên làm vậy, mẹ cũng run run, chỉ sợ ai để ý phát hiện ra sẽ ngượng lắm. Nhưng ngồi liên hoan với đồng nghiệp, mẹ chỉ nghĩ đến đàn con nheo nhóc ở nhà, nuốt không đặng".
Chao ôi! Tấm lòng của người mẹ. Mẹ sẵn sàng bỏ qua cả thể diện của mình chỉ để các con có được miếng thức ăn ngon hiếm hoi là mấy miếng giò miếng thịt còn dính cả hạt cơm, lá rau, bởi đa phần những bữa cơm gia đình tôi lúc ấy chỉ có rau chấm tương. Và chiếc khăn mùi soa nhỏ ấy đã gói ghém không chỉ là miếng thức ăn mà là đức hy sinh chắt chiu bù trì của mẹ. Cứ tưởng tượng cái cử chỉ lấy chiếc khăn mùi soa lau mặt rồi thả nhanh miếng thức ăn vào đó và cất vội đi của mẹ, tôi lại thấy nghèn nghẹn.
Giờ đây, mẹ tôi có thêm những chiếc khăn vuông hoa đẹp hơn để dùng, nhất là để vấn gọn mái tóc đã bạc trắng như cước. Cuộc sống của mấy chị em tôi cũng tương đối đủ đầy. Nhưng ký ức về mùi vị của miếng giò miếng thịt lẫn cả vị mồ hôi mằn mặn trong chiếc khăn mùi soa của mẹ, thi thoảng lại bồi hồi sống lại trong tôi, thao thiết nghẹn ngào.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0