Điểm tựa bình an

Mỗi người trong chúng ta, giữa rất nhiều những hỷ nộ ái ố của cuộc sống đầy hối hả, tất bật và đua tranh này, ai cũng cần có một điểm tựa bình an cho mình. Có đôi khi, ta chính là điểm tựa bình an cho một người khác, hoặc ai đó lại đang là điểm tựa bình an cho chính ta.

Ai đã từng nhìn thấy người thân ở giường bệnh. Ai đã từng đau đớn cùng với người thân khi họ mang trong người căn bệnh trầm kha. Nhưng cái đau đó chỉ là đau lòng, dầu cho xé lòng xé dạ thì cũng chỉ là đau lòng. Còn người bệnh mới là người phải chịu bao nhiêu nỗi đau đớn trực tiếp, cảm giác của họ như thế nào thì chỉ có chính người nằm trên giường bệnh mới hiểu rõ nhất. Họ có thể vừa đau cả về thể xác khi phải đấu tranh với bệnh tật và vừa phải gồng mình giằng xé trong nội tâm. Tất cả những điều đó chỉ có họ là rõ nhất.

Họ có thể vừa đau cả về thể xác khi phải đấu tranh với bệnh tật, vừa phải gồng mình giằng xé trong nội tâm. Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ đời sống.

Vậy nên, không thể so sánh ai đau nhiều hơn, ai tổn thương nhiều hơn được. Mỗi người là một câu chuyện, thì mỗi người cũng có một lựa chọn và cách sống phù hợp với lựa chọn của mình. Con không thể quyết định thay ba, cháu không thể quyết định thay ông. Con chỉ có thể làm tốt nhất những gì thuộc vai trò của con, cháu chỉ có thể đóng vai trò tốt nhất của người cháu. Còn việc kiên trì chiến đấu với căn bệnh, uống thuốc, đi viện hay muốn ở nhà vào những ngày cuối cùng lại là quyết định của chính người bệnh.

Đã có lúc, trong giai đoạn khó khăn nghẹt thở khi lần lượt biết tin ba rồi đến ngoại đã vào giai đoạn cuối của bệnh K, tôi và mẹ đã lựa chọn tươi cười. Chúng tôi muốn đóng vai trò rằng chúng tôi ổn để có thể đồng hành cùng ba, cùng ông ngoại vượt qua bệnh tật. Nhưng có rất nhiều lần tôi bắt gặp ba và ông luôn tươi cười để động viên ngược lại chúng tôi. Có ai nghĩ được rằng ba và ngoại đang đau đấy nhưng vẫn gác qua một bên để lo nghĩ cho những người còn lại. Họ vững vàng để suy tính, dặn dò, vun vén chu toàn từng phần việc còn dở dang. Họ ân cần dặn dò nhắn gửi cho từng người thân. Tôi cứ nghĩ tôi đang làm chỗ dựa cho họ, nhưng thật ra mỗi lần còn được ngồi nói chuyện với ba và ông là những lần củng cố cho tôi lòng tin là tôi vẫn luôn còn có bờ vai vững chắc của người thân để tựa vào. Những lúc ấy, tôi chưa cảm thấy mình đang đau khổ.

Tôi đã nghĩ rằng tôi mãi mãi có thể ổn. Tôi phải ổn để còn làm bờ vai vững chắc cho mẹ sau khi ba, rồi ngoại ra đi. Vậy nhưng, đã có nhiều lúc tôi hoàn toàn suy sụp, tôi xấu hổ với bản thân khi mình quá yếu đuối. Tôi hổ thẹn khi nhớ đến lời hứa với ngoại rằng tôi sẽ luôn luôn chăm sóc tốt cho con gái của ngoại, là mẹ của mình. Ngược lại, chính sự mạnh mẽ vững vàng của mẹ, lại là chỗ dựa cho tôi vượt qua giai đoạn chông chênh. Lúc này đây, nhìn mẹ tỏ ra ổn tôi lại cảm thấy đau khổ vì sự bất lực và yếu đuối của bản thân mình.

Ngược lại, chính sự mạnh mẽ vững vàng của mẹ, lại là chỗ dựa cho tôi vượt qua giai đoạn chông chênh.
Ảnh: Prudential.

Có rất nhiều đêm tôi nằm mơ và dằn vặt, nếu lúc ấy tôi kiên trì đưa ba đi viện. Nếu lúc ấy tôi kiên trì đưa ngoại đi viện thì sẽ như thế nào? Ba có thể ở lại với chúng tôi thêm một tuần trăng không? Ngoại có thể bước lên con đường mây trắng ít đau đớn hơn không?

Dẫu biết rằng, nhân duyên tùy ý đến đi chẳng thể cưỡng cầu. Nhưng chữ giá như cứ quẩn quanh chẳng dứt. Có lẽ vì tôi vẫn muốn được vững vàng như ba và ngoại đã từng. Tôi muốn được là bờ vai vững chãi cho mẹ yên tâm. Nhưng mẹ đủ sáng suốt mà chỉ ra cho tôi thấy, mong muốn gánh vác thay phần ba và ngoại chỉ là một suy nghĩ của bản thân tôi. Mẹ hay nhắc về hai người đàn ông quan trọng trong cuộc đời của mẹ. Họ luôn gánh phần thiệt thòi để mang đến nụ cười và hạnh phúc cho những thành viên còn lại. Nhưng mẹ không muốn tôi học theo cách ấy. Mẹ mong tôi sống thật cân bằng. Tôi sống tốt đã là một cam kết vững vàng trao tặng mẹ điểm tựa bình an.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.