Mẹt dưa cải của bà ngoại

Có một cô gái lớn lên bằng mẹt dưa cải của bà ngoại. Mẹt dưa cải ấy không chỉ gợi lên sự tần tảo, oằn gánh lo toan cả một đời người của bà mà còn gắn liền với những tháng ngày đẹp đẽ của tuổi thơ cô.

Thuở bé, mỗi khi tan học, tôi đều chạy ù ra chợ để được sớm thưởng thức những thức quà bà đã chuẩn bị sẵn, khi thì cái bánh ú, bánh bò, bọc kẹo bi hoặc ly chè đậu xanh sánh dẻo. Nhìn tôi háo hức ăn gọn những thức quà, bà mỉm cười âu yếm, xoa nhẹ đầu tôi: "Ăn nhanh chóng lớn, cháu nhé!".

Tôi háo hức thưởng thức những thức quà bà đã chuẩn bị sẵn. Ảnh minh hoạ.

Rồi bà lại tất tả bán buôn với gánh dưa cải, tôi ngồi sau sạp hàng của bà tự bày đồ chơi của mình. Đồ chơi của đứa trẻ nhà nghèo chỉ vỏn vẹn trong dăm ba món đồ hàng, vài cái lon, cái ly rỗng nhưng ấy là cả gian hàng diệu kì của tuổi thơ. Cô búp bê xinh xắn, thướt tha trong chiếc váy hồng và mái tóc hơi rối bù được tôi đặt ngồi chễm chệ phía đối diện. Đây là món quà sinh nhật khi tôi vừa tròn mười tuổi. Nhớ lại lúc đó, chiều nào đi học về, tôi cũng chạy ra trước cửa hàng đồ chơi của bà Tư trong chợ, mê mải nhìn chăm chú vào cái tủ kính trưng bày hàng chục món đồ chơi đủ sắc màu. Nổi bật trong đó, đập vào mắt tôi là cô búp bê như đang mỉm cười tươi rói. Tôi khao khát con búp bê đó nhưng không vòi vĩnh bà vì biết nhà mình còn nghèo lắm. Chẳng hay biết bà đã lặng lẽ quan sát đứa cháu nhỏ lúc nào và đã âm thầm mua tặng tôi vào đúng dịp sinh nhật. Khi lần bóc lớp gói quà màu xanh dương, nhìn thấy con búp bê, tôi vui mừng nhảy cẫng lên ôm cổ bà rối rít nói lời cám ơn. Mỗi khi tan chợ, bà lại dắt tay tôi lẫm chẫm đi trên con đường rào rạo sỏi cát trở về nhà. Tôi vừa nắm chặt tay bà, vừa căng lồng ngực hít tràn hương đồng cỏ nội, nghe thoang thoảng như hương hoàng lan thanh khiết.

Bà tất tả bán buôn với gánh dưa cải. Ảnh minh hoạ.

Bố mẹ tôi chia tay khi tôi mới 6 tuổi. Mẹ tôi gạt nước mắt bế tôi về nhà ông bà ngoại. Thời đó, làng xóm vẫn còn nhiều định kiến hẹp hòi đối với những người phụ nữ đứt gãy hôn nhân giữa đường. Mẹ tôi không chịu nổi những lời điều tiếng xung quanh nên bỏ đi buôn hàng ở xa. Dăm ba tháng mẹ về nhà một lần, mang cho tôi tấm áo mới, vài cuốn truyện tranh, vài thức quà bánh rồi lại lên đường đi biền biệt. Tuy thiếu thốn tình thương, sự gần gũi của bố mẹ nhưng tôi không rơi vào cảnh cô độc, bơ vơ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh. Ông bà ngoại dồn hết tình yêu thương cho tôi. Tôi cứ thế vô tư, ngây ngô tận hưởng những chắt chiu, dành dụm nhỏ nhoi của bà và lớn lên từng ngày trong trạng thái mơ hồ ngọt ngào như câu thơ trong tác phẩm Đò Lèn của Nguyễn Duy:

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế.

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực/ giữa bà tôi và tiên, phật, thánh, thần”.

Nhớ vào đợt Tết năm ấy, nhà tôi đặc biệt khó khăn. Ba mươi chạm ngõ rồi mà vẫn chưa sắm sửa gì cả. Tôi đứng ngoài sân nóng ruột đợi bà trở về. Đợi đến khi chạng vạng tối, bà xuất hiện với cái thúng đội đầu và mẹt dưa cải quen thuộc, chúng đè nặng làm bóng bà tôi càng thêm nhỏ bé liêu xiêu trong khoảnh khắc ngày tàn u ám. Tôi háo hức chạy ra đón bà. Bà lấy từ trong thúng ra gói mứt hạt sen còn nóng hổi, thơm ngào ngạt đưa cho tôi. Lại vẫn xoa đầu tôi, trìu mến: "Ăn nhanh chóng lớn, cháu nhé!" Mãi mãi về sau này, tôi vẫn khó tìm lại trong đời mùi vị của gói mứt sen nào thơm ngon như thế. Lẫn trong vị nồng đượm của hạt sen vừa ngào đường chín tới, tôi vẫn ngửi thấy hương hoàng lan thanh khiết đến ngây ngất.

Ông bà ngoại dồn hết tình yêu thương cho tôi. Ảnh minh hoạ.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay tự ti cho hoàn cảnh của mình. Trong suốt quãng đời thơ ấu, bà tôi với tấm lòng bao dung, nhẫn nại, hi sinh đến vô ngần đã thay mẹ chăm lo cho tôi một cuộc sống vật chất đủ đầy nhất có thể. Hay tựa hồ trong vô thức trẻ thơ, tôi mơ hồ đã coi bà là người mẹ dưỡng dục nên mình.

Tôi từng bị cô giáo dạy tiểu học cho 0 điểm với lời phê lạc đề chỉ vì cuối bài văn tả về người mẹ, tôi đã ghi: "Người luôn chăm sóc, yêu thương em nhất trong nhà là bà ngoại của em". Đó là kỉ niệm đau và buồn khiến tôi nhớ mãi. Chính vì thế, sau này, khi đã trở thành một cô giáo dạy Văn, tôi luôn tâm niệm phải đọc thật kĩ bài văn của học sinh mình, biết đâu đằng sau đó là cả một câu chuyện khác cần được cảm thông, chia sẻ. Tôi nhớ, ngày nhận giấy báo đỗ đại học, bà tôi rơm rớm nước mắt vì vui mừng. Bà ngoại lại vẫn xoa đầu tôi, hiền từ nói: "Cố lên cháu nhé!" Để tôi được yên tâm học hành, mẹt dưa cải của bà ngày thêm kẽo kẹt trĩu nặng.

Tôi mong chờ những ngày được nghỉ để bước chân tôi khẩn trương hơn, hối hả hơn trở về với ông bà. Ảnh minh hoạ.

Cô bé con như cánh chim non ngày nào giờ đây đã trưởng thành. Tôi đã có những bước tiến trên đường đời. Tôi đã trở thành một cô gái mạnh mẽ, độc lập như bà vẫn hằng mong muốn. Sống bên người bà nhân hậu, tôi tự nhiên cũng giàu lòng trắc ẩn với mọi người xung quanh. Lắm lúc, cuộc đời xô đẩy khiến tôi chùn gối, mỏi mệt thì bước chân tôi lại trở về trên con đường quê rào rạo sỏi đá, tiến thêm vài bước nữa thôi là tới ngôi nhà màu xanh rêu phong với cánh cổng luôn mở rộng đón tôi. Và tất nhiên, đằng sau cánh cổng đó, có một hương hoàng lan thanh khiết, dịu dàng luôn chờ đợi tôi để xoa dịu, vỗ về, như thuở tôi còn bé bỏng.

Bà tôi giờ cũng đã 79 mùa xuân rồi. Tóc bà đã bạc phơ lấp lánh, lưng bà đã còng hẳn xuống, duy chỉ đôi mắt bà vẫn còn tinh anh, chứa đựng cả bầu trời thấu hiểu, khoan dung. Tôi mong chờ những ngày được nghỉ để bước chân tôi khẩn trương hơn, hối hả hơn trở về với ông bà. Tôi tha thiết ước nguyện được đón thật nhiều những mùa xuân - hạ - thu - đông bên bà tôi. Tôi muốn nói với bà rằng: "Bà ơi, cháu yêu bà!".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?