Mùa Vu Lan nhớ mẹ
Mỗi sáng thức dậy, tôi nhớ tiếng gậy lộc cộc mẹ đi lại trong nhà. Mẹ thức từ sớm, có khi trằn trọc thâu đêm lúc trái gió trở trời. Mẹ làm việc nọ việc kia, đun sôi phích nước, lau quét bàn ghế, dù chúng sạch bong bóng loáng. Tiếng nhặt khoan đều đặn gõ vào nền gạch lâu ngày thành tiếng chuông báo thức cho cả nhà. Những ngày mẹ đi khỏi, trong chập chờn giấc ngủ mộng mị, tôi vẫn nghe đâu đó âm thanh quen thuộc, ngỡ mẹ còn hiển hiện đâu đây.
Mẹ trồng vài chậu rau trước hiên nhà. Mẹ lo lắng cho từng chiếc lá, vạch tìm từng con sâu, tưới cho chúng nước vo gạo. Không phụ lòng người chăm bón, chúng lớn nhanh. Mẹ cẩn thận cắt từng cọng, tự lặt, tự rửa, không cho ai động vào, loay hoay nấu nồi canh nóng hổi.
Khi con gái nhỏ của tôi xì xụp khen ngon, mắt mẹ lấp lánh: "Ngoại trồng đó". Có cây đinh lăng be bé, mẹ hái lá già phơi khô, góp nhặt đến khi hòm hòm rồi cắt vải may thành chiếc gối. Gối lá phát ra âm thanh sột soạt vui tai, tỏa hương thơm ngát, tôi hít hà như hít mùi hương quen thuộc của mẹ.
Mẹ sống một đời cần kiệm, là thói quen suốt quãng đời đói khổ, ăn bữa nay lo ngày mai, luôn suy tính cho con cái đủ no đủ ấm. Túi nilon còn mới mẹ xếp lại để lúc cần có dùng. Đồ cũ mặc hoài đến sờn vai sứt chỉ. Đồ con cháu mua mẹ để dành, rồi chỉ mặc khi đã nằm trong sáu miếng gỗ vô tri lạnh lẽo.
Tiết kiệm là vậy, nhưng mẹ rất hào phóng giúp đỡ, sớt chia cho người neo đơn, đói khổ. Mẹ nói: "Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn".
Buổi tối, mẹ uống sữa cho dễ ngủ. Mẹ luôn cất tiếng gọi: "Gà con ơi, uống sữa với ngoại không?". Con gái tôi nghe thấy, dù đang làm gì, cũng bỏ đó, lăng xăng chạy xuống, khi thì một ngụm, khi thì vài hơi, rồi cười khanh khách.
Mẹ không còn, con gái thút thít, con muốn uống sữa với ngoại. Vậy là con đem hộp sữa lên bàn thờ, mời ngoại, đợi một lúc con nói ngoại uống xong rồi, con mới đem xuống uống. Thỉnh thoảng con rơm rớm, con nhớ ngoại. Ngoại hay đút cơm con ăn, ngoại cột tóc cho con… đủ chuyện hàng ngày. Tôi ôm con căn dặn: "Mình không nhắc nữa, để ngoại thanh thản về miền mây trắng". Nhưng dù không nhắc, nỗi nhớ cứ như những đợt sóng ngầm, khi thì âm ỉ, lúc lại cuồn cuộn trào dâng.
Tự lâu rồi, mẹ là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Mỗi khi mỏi mệt, về nhà thấy mẹ, trò chuyện dăm câu khiến tôi nhẹ nhõm. Những lần rối rắm, nhận lời khuyên của mẹ, tôi từng bước trưởng thành.
Mẹ như kho kiến thức không bao giờ cạn. Mẹ nói, hồi đó nghèo quá, mẹ không được học hành tới nơi tới chốn, nhưng những đạo lý, cách đối nhân xử thế của mẹ, bao nhiêu sách vở cũng không sánh bằng.
Đến giờ, tôi vẫn đặt bàn thờ mẹ ở phòng khách như hồi mẹ mới mất. Để mỗi khi về nhà, mở cửa liền nhìn thấy nụ cười ấm áp của mẹ, đến thắp cho mẹ nén hương, kể với mẹ vài câu chuyện vu vơ. Để mỗi lần ra khỏi nhà vẫn chào, con đi chút rồi về như thuở mẹ còn.
Ngày mẹ mất, tôi dặn mình phải mạnh mẽ để mẹ ra đi thanh thản, nước mắt chỉ làm mẹ vướng bận mà thôi. Nhưng khi tiễn mẹ về với cát bụi rồi, đối diện với nỗi quạnh hiu, cảm giác mất mát thật khổ sở. Từng ngày trôi qua, từ ngoài ngõ đến trong nhà, nhìn đâu cũng thấy bóng hình của mẹ, mà thân ảnh mẹ đã không còn. Chiếc gậy mẹ chống, giường chiếu mẹ nằm, chiếc nón lá, những món đồ mẹ thường dùng vì thiếu hơi ấm của mẹ trở nên chơ vơ, lạnh lẽo.
Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi vào bệnh viện lúc mẹ của cô em vừa mất, cô ấy gào khóc thê thảm khiến ai có mặt cũng lấy làm xót xa. Khi đó, dù đau lòng cho cảnh sinh ly tử biệt, tôi vẫn chưa biết nỗi đau mất mẹ to lớn đến dường nào. Đến lúc tự mình trải qua, tôi mới thấu hiểu. Và nhận ra rằng, dù bao nhiêu tuổi, dù ở gần mẹ bao lâu cũng không đủ. Càng ngưỡng mộ những ai còn có mẹ, thật diễm phúc biết bao.
Vừa rồi có người bạn hỏi tôi lâu nay có về quê không? Tôi ngơ ngác nhận ra rằng quê gắn liền với mẹ. Thuở học đại học và khi mới đi làm, mẹ ở quê, ngày nghỉ, lễ Tết tôi tranh thủ về quê với mẹ. Sau này đón mẹ lên sống cùng, những lần về quê là về với mẹ, đưa mẹ về thăm nhà cũ, thăm bà con họ hàng, ghé một quán quen ăn món mà mẹ nhớ, hay đơn giản là về quê để tìm kỷ niệm thời thơ bé, để khỏa khuây sau những mệt mỏi thường ngày, những lúc ấy luôn ấm lòng vì có mẹ kề bên.
Giờ đây, về quê, vẫn khung cảnh ấy, nếp nhà ấy nhưng có một nỗi trống vắng lạ thường, gặp người quen lại bồi hồi thương tiếc mẹ. Những chuyến về quê sau này, đã không còn như xưa. Vì một chỗ dựa, một chốn bình yên đã lặng lẽ hóa mây ngàn…
Nghề giáo vẫn được gọi là nghề cao quý. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và nghề giáo cũng có những câu chuyện cuộc sống đằng sau ánh hào quang cao quý.
Có một người đã dạy cô những con chữ đầu tiên, người dạy cô bao bài học thật thà; dạy cô phải biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh… Với cô, ba là người thầy vĩ đại nhất.
Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!
Cuối năm thiệp mời cưới bay tá lả, đó là lúc chị em cố gắng giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Hôm nào cũng hỏi thăm nhau giảm được bao kg rồi, để còn tụ tập đi ăn cưới.
Sau những chuyến muộn phiền, có người lại về ngồi với khu vườn, lặng yên nghe tiếng chim hót. Đôi khi ngửa mặt lên trời nhìn mây trôi về muôn nẻo. Mây trôi nhẹ tênh, trong thoáng chốc cô ước gì hồn mình cũng nhẹ như mây. Để tự do bay bổng, để đi về hướng nào mình muốn và để tan ra hay làm mưa xuống. Không như mình vẫn ngồi đây để tự hỏi, rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu?
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
0