Độc đáo làng nghề 'thêu áo cho vua'
Xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, phát triển rực rỡ ở thời nhà Nguyễn và vẫn tồn tại tới ngày nay, làng thêu Đông Cứu chính là nơi sản xuất ra những bộ long bào phục vụ cho các vương triều phong kiến Việt Nam.
Hiện nay, ngoài việc thêu long bào, khăn chầu, áo ngự phục vụ các loại hình diễn xướng sân khấu, Đông Cứu còn có nghề phục dựng long bào cổ trở thành những di sản văn hóa mang giá trị lịch sử sâu sắc.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, làng Đông Cứu hiện là ngôi làng duy nhất vẫn còn giữ lối thêu cổ với nghề phục dựng long bào, áo mão cho vua chúa, quý tộc trong triều đình xưa.
Lề lối thêu cung đình; tỉ mỉ trong từng đường nét; các canh chỉ, họa tiết của các sản phẩm phục chế được thực hiện theo đúng các nguyên tắc trong kỹ thuật thêu cung đình.
Gần 40 năm tham gia phục dựng lại các tác phẩm qua các thời kỳ phong kiến, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã có nhiều tác phẩm trưng bày tại các bảo tàng trên cả nước. Tại gia đình, ông lưu lại một số tác phẩm mà mình dành tâm huyết, sự tỉ mỉ để phục dựng lại.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết: "Tôi cũng có tìm hiểu và cũng nhờ các cụ truyền đạt lại cho cách thêu và lối thêu và hình thức, cách thức để làm làm sao cho đúng lề lối chuẩn thời xưa. Tất cả trang phục tôi phục dựng được thì nó khoảng 20 mẫu khác nhau của một triều đại, chủ yếu là Triều Nguyễn. Hiện đã có trên dưới 30 cái áo phục dựng hoàn chỉnh theo đúng nguyên bản, bản gốc”.
Nghề thêu tay là thế mạnh ở Đông Cứu. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển, giải quyết việc làm cho trên 90% lao động địa phương, và các làng, xã lân cận. Gắn bó với nghề thêu từ năm 13 tuổi, bà Lê Thị Ngoan (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) chia sẻ nghề có lúc thăng trầm, nhưng vì đam mê nên bà gắn bó cho đến tận bây giờ.
"Làm công việc này đòi hỏi từng đường kim mũi chỉ cần tỉ mỉ, các màu sắc, những nét nhỏ, khi đổi mẫu mã, không có sản phẩm cố định, mỗi sản phẩm khác nhau. Sản phẩm làm ra được quảng bá cũng thấy phấn khởi, tay nghề của thợ làng nghề được biết đến rộng rãi", bà Ngoan chia sẻ.
Những năm trước đây, sản phẩm thêu Đông Cứu chủ yếu phục vụ tâm linh người Việt. Tuy nhiên, khi thương hiệu làng nghề thêu truyền thống Đông Cứu lan rộng, các nghệ nhân nhận được các đơn đặt hàng với mẫu mã đa dạng hơn...
Ông Nguyễn Thế Du - Chủ tịch Hiệp hội nghề thêu thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Hiện thợ thêu rất nhiều, chiếm 2/3 những người trong làng là theo nghề thêu. Địa phương đang phát triển nghề của cha ông để lại ngày càng phát triển hơn và kết hợp giữa nét cổ truyền và hiện đại. Chúng tôi cũng đã đưa máy móc vào sản xuất các mặt hàng kết hợp với thêu tay truyền thống ra những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu và thị trường người tiêu dùng".
Với sự cần mẫn, tỉ mỉ của người thợ đã tạo ra được những sản phẩm tinh tế, có giá trị thẩm mỹ cao, nghề thủ công truyền thống thôn Đông Cứu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà Vũ Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND Xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Với lợi thế đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Dũng Tiến đã và đang tăng cường chỉ đạo đối với các ban ngành đoàn thể, thôn và nhân dân tích cực chủ động tuyên truyền quảng bá sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận với khách hàng. Đồng thời cũng chủ động khai thác các chương trình để phát triển làng nghề”.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, Hà Nội thông tin: “Hàng năm, huyện Thường Tín vẫn trích ra khoảng hơn 1 tỷ đồng để làm công tác khuyến công, thực tế là truyền nghề, dạy nghề, hỗ trợ cho các làng nghề trong quảng bá các sản phẩm ra các tỉnh khác và thị trường quốc tế. Trong năm 2023 huyện sẽ tiếp tục quan tâm đến các làng nghề đặc biệt làng nghề của xã Dũng Tiến”.
Với tấm lòng trân quý giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, những nghệ nhân và các thợ lành nghề của Đông Cứu đã giúp nghệ thuật thêu trang phục cung đình tưởng chừng mai một được hồi sinh và phát triển.
Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) phối hợp cùng Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã tổ chức Lễ hội nước mắm TP HCM lần 1 năm 2024 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, là một trong số nhiều làng nghề chuyên sản xuất gỗ mỹ nghệ, với những người dân năng động trong phát triển kinh tế.
Hà Nội từng có rất nhiều làng quê có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Trong đó làng nghề Phùng Xá, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm”.
15.000 sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vừa được huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng và các nghệ nhân trao tặng tới nhân dân và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.
UBND huyện Thường Tín và Sở Công Thương Hà Nội vừa phối hợp tổ chức Festival làng nghề và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Đam mê, gắn bó với nghề truyền thống, nghệ nhân tiêu biểu Bùi Thị Minh đã cho ra đời nhiều tác phẩm đúc đồng, phát huy truyền thống nghề của tổ tiên.
0