Áp lực từ mong muốn của cha mẹ

Sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái có thể là nguồn động lực mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng của trẻ, nhưng cũng có thể trở thành áp lực đè nặng trên hành trình trưởng thành của con.

Sự kỳ vọng lớn lao của cha mẹ vào con cái

Trong đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT tại Hà Nội ngày 8/6 có một câu hỏi trong phần nghị luận văn học: "Theo em, có ích kỉ hay không nếu như chúng ta không sống theo mong muốn của người khác?".

Đây là một câu hỏi vô cùng thực tế ngay trong chính mỗi gia đình và có lẽ ai cũng thấy mình ở trong đó. Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ một đến hai con, vì vậy, sự kỳ vọng lớn lao của cha mẹ vào con cái trở thành một xu hướng tâm lý phổ biến. 

 Tâm lý học đã đúc kết ra một công thức: Happiness = Reality - Expectations (Hạnh phúc = Thực tế - Kỳ vọng). 

Công thức đơn giản này cho ta thấy rằng niềm vui của mỗi người phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa thực tế và kỳ vọng. Khi "thực tế" vượt qua "kỳ vọng", chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, khi "thực tế" không đáp ứng được "kỳ vọng", chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng.

Sự kỳ vọng lớn lao của cha mẹ vào con cái trở thành một xu hướng tâm lý phổ biến. 

Thực tế và kỳ vọng không phải lúc nào cũng ngang hàng. Với nhiều bậc cha mẹ, dù thực tế đã được nhìn thấy, nhưng vẫn đặt ra kỳ vọng quá cao đối với con cái, tạo nên một sức ép rất lớn đối với những đứa trẻ. Khi phải sống theo kỳ vọng của cha mẹ, con cái có thể phải chịu đựng áp lực, dễ dẫn đến stress, lo âu và các vấn đề tâm lý khác.

Thuyết phục bố mẹ để đi theo con đường của mình

Câu chuyện của diễn viên Thanh Bi là một minh chứng cho việc dám bước ra khỏi những kỳ vọng của gia đình để theo đuổi đam mê của riêng mình.

Theo diễn viên Thanh Bi chia sẻ, ở giai đoạn chuẩn bị thi vào đại học, do bố mẹ cô làm việc ở cơ quan nhà nước và trong môi trường quân đội nên đã định hướng cô sau này cũng sẽ vào làm việc trong một cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, cô đã quyết định lựa chọn con đường làm diễn viên, ngành quản lý văn hóa - nghệ thuật.

Thời gian đầu, cô không dám nói với gia đình, chỉ lén lút đi quay các MV, clip quảng cáo, sitcom nghệ thuật và bố mẹ cô không hề hay biết. Chỉ sau khi cô tham gia một bộ phim nổi tiếng, hàng xóm đã nói lại với bố mẹ cô khiến họ rất bất ngờ và tỏ ý trách mắng cô vì không nghe lời.

Tuy nhiên, với quan điểm mỗi người có những đam mê, ước mơ riêng và sự quyết định riêng, cô đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình để theo đuổi nghề diễn viên. Sau một thời gian dài, khi nhận ra niềm đam mê đã giúp con đạt được những thành công, gia đình cô đã thay đổi quan niệm và ủng hộ cô đi theo con đường đã chọn.

"Khi quyết định chọn một nghề, trước hết mình phải yêu nghề đó và quyết tâm theo đuổi bằng tất cả nhiệt huyết, bằng cả con tim để có thể đi đến những thành công", diễn viên Thanh Bi chia sẻ.

Diễn viên Lại Thanh hay còn gọi là Thanh Bi.

Đừng bắt con cái chuyên chở ước mơ của cha mẹ

Người lớn thường cho rằng mình có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm nên rất tự tin trong việc định hướng cho con cái và muốn con phải làm theo. 

Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra khi cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng về học hành, về điểm số lên con cái. 

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm trong mùa thi tăng cao, chiếm tới 20-30% số học sinh tham gia thi. Còn theo một nghiên cứu của Đại học Giáo dục (trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), stress là vấn đề học sinh hay gặp nhất, chiếm gần 57%, sau đó đến lo âu trầm cảm chiếm 45%; học sinh còn gặp phải khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp. 

Năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo và các viện nghiên cứu cũng đưa ra những con số đáng lo ngại về việc định hướng nghề nghiệp của giới trẻ: hơn 60% sinh viên năm nhất không hiểu mục đích của ngành mình theo học; 70% cảm thấy không thỏa mãn với nghề đã chọn; 30% muốn thi lại; thậm chí 20% sinh viên ra trường cảm thấy mình đã chọn sai nghề... 

TS. Lê Thị Khánh Ly, Đại học Văn hóa Hà Nội.

TS. Lê Thị Khánh Ly, Trưởng bộ môn Văn hóa Đối ngoại - khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng ai cũng có ước mơ. Ước mơ và tiêu chí đánh giá về sự thành công trong xã hội ngày nay sẽ có những khác biệt so thời kỳ trước. Tuy nhiên, dưới góc độ của con cái, cần phải có sự cân đối và điều tiết nhất định trong việc ứng xử khi đứng trước sự kỳ vọng của cha mẹ. Sự kỳ vọng của cha mẹ xuất phát từ yêu thương con cái. Bởi vậy, con cái cũng cần phải có sự tiết chế và cân nhắc trước những áp lực kỳ vọng của cha mẹ. 

Bày tỏ quan điểm về câu hỏi: "có ích kỉ hay không nếu như chúng ta không sống theo mong muốn của người khác?", TS. Khánh Ly cho rằng cả cha mẹ và con cái cần có sự cân đối và sẽ không phải là ích kỷ nếu như con cái không sống theo kỳ vọng của cha mẹ, nhưng cũng cần phân biệt rõ giữa sự ích kỷ và sự chủ động với cuộc sống của mình.

Nếu như con cái thực sự có ước mơ, có sự chủ động trong cuộc sống thì nên chia sẻ với cha mẹ để nhận được sự thấu hiểu.

Cùng con tìm tiếng nói chung

Việc con cái được tự do theo đuổi những ước mơ của riêng mình sẽ giúp con có cơ hội phát triển và khám phá những khả năng tiềm ẩn, từ đó xây dựng nên một bản sắc riêng biệt và độc lập. Các thế hệ khác nhau thường có những giá trị và quan điểm sống khác nhau. Những gì cha mẹ cho là quan trọng và đáng mơ ước có thể không còn phù hợp hoặc hấp dẫn đối với con cái trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Cuộc sống hiện tại đòi hỏi con cái phải có khả năng thích nghi với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kinh tế và văn hóa. Vì vậy, con cũng cần tự tìm ra con đường phù hợp với thời đại của mình hơn là đi theo những lối mòn của thế hệ trước.

Rất nhiều bậc phụ huynh có cách ứng xử với con cái rất văn minh, họ tôn trọng tiếng nói của con, quyết định của con thay vì áp đặt với con. Cha mẹ đóng vai trò như những người hướng dẫn, giúp con cái nhận biết và phát triển khả năng của bản thân. 

Đồng hành với con nhưng không làm hộ con, trao cho con quyền tự quyết định, đó là phương châm của chị Nguyệt Thu (KĐT Tây Tân Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng).

Chị Bá Thị Nguyệt Thu (KĐT Tây Tân Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) kể từ bé chị đã rèn các con thói quen tự học hay giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Nhờ đó, các con của chị rất tự giác trong học tập. Những lúc rảnh rỗi, con gái lớn Khánh Ly sẽ giúp đỡ bố mẹ trông em nhỏ hoặc kèm em học. 

Khánh Ly hiện đang là học sinh lớp 11. Em rất đam mê ngành thiết kế đồ họa. Vì vậy một năm trước, thay vì chọn trường cấp 3 công lập cho em, bố mẹ đã quyết định cho em theo học  chương trình 9+ để phù hợp với nguyện vọng và năng lực của em.

Khoảng cách thế hệ của cha mẹ và con cái sẽ được rút ngắn khi cha mẹ làm bạn được với con, con cái mở lòng sẻ chia với cha mẹ. 

Những đứa trẻ hạnh phúc thì bố mẹ cũng sẽ hạnh phúc. Bố mẹ nên tôn trọng và khuyến khích sự tự do phát triển cá nhân của con cái, thay vì áp đặt lên chúng những kỳ vọng và giấc mơ của cha mẹ. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều trường đã lồng ghép hoạt động hướng nghiệp trong buổi trải nghiệm ngành nghề của các em học sinh lớp 9, giúp các em tự đưa ra lựa chọn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024, với chi tiết các mốc thời gian xét tuyển.

Học sinh lớp 12 và nhiều phụ huynh khá lo lắng về việc nếu không chọn và trúng tuyển đại học phù hợp năm nay, các em sẽ phải cạnh tranh trong mùa tuyển sinh năm 2025 với những quy định mới.

Thời gian này chính là thời điểm hàng triệu học sinh lớp 12 đang phải cân não trong việc lựa chọn ngành, nghề tương lai. Việc được tiếp xúc, tư vấn trực tiếp từ các trường, các chuyên gia tại Ngày Hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp sẽ giúp học sinh giải đáp được những băn khoăn, trăn trở trong việc chọn trường, chọn ngành phù hợp với bản thân.

Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau bậc THCS vẫn là một thực tế khó khăn cho các nhà trường, địa phương khi tỉ lệ học sinh chọn học nghề khá thấp. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ nhận thức của phụ huynh cho rằng, con phải tiếp tục học THPT và vào đại học.

Khởi nghiệp đã trở thành một chuyên ngành đào tạo chính quy của nhiều trường đại học. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học quan trọng, đã trở nên phổ biến.