Người lưu truyền làn điệu chèo Xa Mạc
Làn điệu chèo Xa Mạc ra đời trong quá trình lao động sản xuất của người dân thuần nông, được các nam thanh, nữ tú hát vọng từ thửa ruộng này sang thửa ruộng kia, đối đáp để quên đi sự mệt mỏi trong sản xuất.
Chạy xe theo con đường bê tông tả ngạn sông Hồng về phía Bắc là sẽ các bạn sẽ tìm thấy ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Lược, người mà hơn 40 năm qua luôn được người dân Xa Mạc (xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội) tự tin giới thiệu và gọi với cái tên trìu mến: "Người thắp lửa chèo quê tôi".
Đã ngoài 70 tuổi nhưng tiếng hát của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược vẫn chắc nhịp và bay bổng. Mỗi tối cuối tuần, ông dành thời gian ba tiếng đồng hồ để livestream hát chèo trên Facebook cá nhân. Dù đã cao tuổi nhưng ông rất rành công nghệ. Ông là admin của fanpage Câu lạc bộ giao lưu văn nghệ Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Hà Nội với 3.000 thành viên. Trong căn phòng khách, bàn pha âm với dàn mix, hai chiếc điện thoại, một để livestream, một dùng phát nhạc là công cụ giúp ông Lược lan tỏa làn điệu dân ca trong thời đại công nghệ số.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược sinh năm 1951 trong một gia đình có bố và ông nội đều là thầy dạy bát âm, từ nhỏ ông đã được nghe những làn điệu chèo cổ. Tình yêu nghệ thuật cứ thế lớn dần theo năm tháng với chàng thanh niên có giọng hát thiên bẩm.
Năm 1971, ông Lược lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Hành trang theo ông vào chiến trường không chỉ là chiếc ba lô trên vai, cây súng trên tay mà ông còn mang theo những điệu chèo quê hương. Sau những buổi hành quân, chiến đấu, ông lại hát cho đồng đội nghe. Những làn điệu chèo Xa Mạc trở thành niềm động viên tinh thần với ông và đồng đội trong Trung đoàn 205, Bộ Tư lệnh thông tin sau những ngày chiến trận căng thẳng ngày ấy.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông Lược rời quân ngũ về làng. Tưởng chừng chẳng gì có thể khiến những người dân ở vùng đất có truyền thống văn nghệ lãng quên điệu chèo cổ, thế nhưng, khi ông Lược hỏi về chèo Xa Mạc, điều ông nhận lại là những cái lắc đầu.
"Đầu tiên thì họ bảo là chèo Xa Mạc thì làm sao bằng bolero, nhạc trẻ. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm một lòng để gìn giữ, truyền bá và đi vận động, mời các thế hệ trước về để giữ lại làn điệu dân ca chèo Xa Mạc này được tồn tại cho đến mãi về sau", ông Lược chia sẻ.
Chèo Xa Mạc không biết có từ bao giờ. Các tài liệu cổ ghi chép cũng gần như không có. Người dân chỉ biết rằng, làn điệu chèo được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Theo ký ức của người cao niên trong làng, khi sinh ra, họ đã thấy các cụ hát trong những dịp hội làng, sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt thường ngày và họ cứ thế tiếp nối. Hát Xa Mạc được vận dụng để hát đối đáp, hát giao duyên, hát trên thuyền, hát lúc cày cấy, hát lúc quay tơ dệt lụa, hát ở sân đình, cửa đình….
Quyết tâm vực dậy làn điệu dân ca truyền thống của quê hương có nguy cơ rơi vào quên lãng, ông Lược tìm đến tận nhà các nghệ nhân cao tuổi để sưu tầm, chép lại những lời ca cổ. Một trong những cuốn sổ tay đã phủ đầy dấu vết của thời gian, bắt đầu với dòng chữ "Tuyển tập số một suốt đời để nhớ".
Lập nghiệp tại quê nhà, ông Nguyễn Ngọc Lược mở một cửa hàng sửa xe đạp nho nhỏ, làm được bao nhiêu của cải ông tích cóp bấy nhiêu, mua trang phục, đạo cụ, thiết bị, âm thanh phục vụ niềm đam mê ca hát. Đến một ngày, ông giật mình nhận ra nếu những bài Xa Mạc cổ chỉ là những con chữ chết trên trang sổ ghi chép và chỉ mình ông yêu điệu hát này thì việc làm bấy lâu nay sẽ trở nên vô nghĩa. Nghĩ vậy, ông đến từng nhà, thuyết phục những người có chung niềm đam mê văn nghệ cùng ông học hát chèo cổ.
Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, ông Lược đã thuyết phục được nhiều người chung sức gây dựng câu lạc bộ hát dân ca Xa Mạc. Để rồi mỗi tối người ta lại thấy khoảng sân nhà ông sáng trưng đèn điện, tiếng hát, tiếng nhạc ngân xa, vang vọng khắp xóm làng.
Bà Lê Thị Biện, vợ của ông Lược, từ một người không biết hát chèo trước đó, nay cũng đã trở thành một hạt nhân tích cực của câu lạc bộ. Bà Biện nhớ lại những năm bao cấp khó khăn, nhà đông con nên gia đình vất vả, bà nhiều lần giận chồng vì ông đi dạy chèo cho bà con nhân dân suốt ngày đêm. Thế nhưng thấy được tâm huyết của ông, bà cũng quyết tâm đồng hành để phục hồi lại chèo Xa Mạc.
Để tạo động lực duy trì hoạt động hát dân ca trong thôn xóm, năm 1998, ông đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 20 triệu của gia đình để mua sắm đạo cụ, phương tiện. Ngày đầu khó khăn, những chi phí đi lại biểu diễn đều do tay ông cùng những thành viên trong câu lạc bộ đóng góp. Câu lạc bộ tự tay viết hàng trăm bài hát chèo, hàng chục trường đoạn, ca cảnh tạo nên vở diễn. Càng diễn càng hay, "đoàn chèo" Xa Mạc do ông đứng đầu liên tục được mời đi diễn tại các hội nghị từ huyện, xã đến các ngày lễ Tết, cứ đâu mời là đi, chỉ mong mọi người biết và yêu chèo Xa Mạc.
Không phụ công của ông, ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia câu lạc bộ. Ông Lược vừa sáng tác lời, vừa dạy hát kiêm luôn cả dàn dựng, biên tập. Ông cũng mở 25 khóa dạy hát miễn phí cho người yêu chèo. Bằng tình yêu với nghệ thuật chèo chưa bao giờ tắt, ông Nguyễn Ngọc Lược đã truyền ngọn lửa đam mê ấy đến nhiều người.
Thoát khỏi nguy cơ biến mất trong đời sống văn hóa của người dân, làn điệu chèo Xa Mạc ngày càng có một sức sống mãnh liệt. Hiện cả bốn xóm trong thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc đều có câu lạc bộ hát chèo. Từ ngày thành lập, các thành viên của câu lạc bộ đã tham gia hàng trăm buổi biểu diễn, giao lưu trên toàn quốc.
Đã ở tuổi ngoài thất thập, điều ông Nguyễn Ngọc Lược mong nhất lúc này là mang chèo đến với trường học. Ông muốn dành tất cả tâm huyết của mình để giúp các bạn trẻ hiểu và yêu chèo hơn. Giống như tình yêu ông dành cho chèo từ khi còn nhỏ.
Từ một người đam mê và tự học, hát chèo bằng những đóng góp của mình, năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Lược được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Ông còn sáng tác lời mới cho hàng trăm bài ngâm Xa Mạc, trong đó "Ca cảnh làng văn hóa" đạt giải A tại Liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên Hà Nội năm 2016. Giờ đây gương mặt đã nhiều nếp nhăn nhưng giọng hát của ông Lược vẫn mượt mà, bay bổng.
Để làn điệu chèo quê hương phát triển bài bản, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược đã cộng tác với nhà báo, soạn giả chèo nổi tiếng Mai Văn Lạng. Việc hợp tác giữa hai con người yêu, đam mê chèo tạo thêm niềm tin về sự phát triển bền vững của làn điệu chèo Xa Mạc.
Người nghệ nhân cả cuộc đời đam mê với chèo đang dành trọn từng ngày để bảo tồn nghệ thuật truyền thống, cũng là góp sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương.
Mùa đông năm nay không rõ rệt. Nó đến muộn, không lạnh sâu, thoắt hanh rồi thoắt ẩm, thoắt sương rồi thoắt nắng, bao trọn vẻ đẹp cả bốn mùa. Như thể mùa đông chỉ vội vàng ghé qua...
Phở, từ khi được bán tại những gánh hàng rong giản dị đã trở thành một phần văn hóa Việt. Câu chuyện về phở đã được làm sống động bởi những nghệ nhân phở gia truyền, những người gìn giữ và phát huy giá trị ẩm thực độc đáo của phở qua nhiều thế hệ.
Những phong bao lì xì - biểu tượng của sự may mắn ngày đầu năm giờ đây đã có diện mạo bắt mắt, nhưng vẫn lưu giữ được ý nghĩa đặc biệt của dịp Tết cổ truyền.
Những ngày cuối năm, phố Hàng Quạt khoác lên mình một diện mạo sống động hơn. Âm thanh của cuộc sống hòa với những điều xưa cũ trên con phố, tạo nên một không gian đầy hoài niệm, một nét đẹp văn hóa truyền thống ko dễ bị phai mờ giữa cuộc sống hiện đại.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cửa hàng kem 35 Tràng Tiền đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của bao thế hệ người Hà Nội. Dù là mùa đông lạnh giá hay mùa hạ oi ả, ai qua đây cũng không thể không dừng chân, thưởng thức một cây kem Tràng Tiền ngọt ngào.
Nhiều con phố, các điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội đã được trang hoàng lộng lẫy, tạo nên một không gian vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, ngập tràn không khí mùa Noel.
0