Nghệ nhân Hà Nội: The La Khê - Hơi thở tơ lụa

Cùng sử dụng chất liệu sợi tơ tằm giống như lụa nhưng "the" hay "sa" dường như đã trở nên khá xa lạ trong đời sống ngày nay. Với khát khao gìn giữ hơi thở của the lụa từng vang danh gắn với mảnh đất quê hương mình, nghệ nhân Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình đó có không ít gian nan.

Làng nghề La Khê đã từng rất nổi danh khắp chốn với một sản phẩm dệt độc đáo, đó là vải the. "The" có nghĩa là "thưa", đồng nghĩa với việc loại vải này cần có cách dệt đặc biệt để làm sao các sợi vải không sít vào nhau, nhưng khi giặt, phơi lại không bị xô giạt, không co ngót dồn sợi và khi thiết kế thành các sản phẩm thì vẫn giữ được phom dáng. Điều đặc biệt là trang phục thiết kế từ loại vải này có được sự thoáng mát vào mùa hè, ôn ấm vào mùa đông và cũng dễ dàng nổi lên được những vân hoa đẹp mắt.

Tính chất thưa thoáng của the/sa La Khê ứng dụng trên trang phục.

Sinh ra ở quê hương của "the" nhưng nghệ nhân Lê Đăng Toản có một tuổi thơ chẳng còn được nhìn thấy bóng dáng của loại vải đó hay ai đó trong làng duy trì nghề dệt này. Lớn lên mưu sinh với đủ thứ nghề, nhưng có lẽ đã được "tổ nghề" chọn khi anh có duyên với nghề dệt bắt đầu bằng công việc đi sửa chữa máy dệt.

Nghệ nhân Lê Đăng Toản am hiểu về máy dệt và kỹ thuật dệt.

Đến năm 2003, khi có chính sách khôi phục làng nghề La Khê, anh Toản đã xung phong là một trong những người trẻ đầu tiên tham gia vào lớp học nghề từ số ít những nghệ nhân già còn nhớ nghề trong làng. Với những hiểu biết về máy dệt, nguyên tắc dệt, anh Lê Đăng Toản nhanh chóng tiếp thu được tinh hoa của nghề dệt the và còn dựng lại được cả khung dệt cổ, tự cải tiến được thành khung bán thủ công. La Khê đã có một hợp tác xã dệt - nơi mọi người chung tay đưa tiếng thoi trở lại.

Tuy nhiên, với đặc điểm rất "khó tính", loại vải the này cũng gây rất nhiều khó khăn cho những người thợ hợp tác xã. Những sản phẩm ban đầu với nhiều thử nghiệm thất bại, hỏng hóc và cũng không đáp ứng được nhu cầu thị trường lúc bấy giờ. Với vài năm tồn tại ngắn ngủi, hợp tác xã đã phải giải thể, máy móc lưu kho.

Nghệ nhân Lê Đăng Toản trăn trở với những máy móc lưu kho.

Tình yêu với the lụa của quê hương đã nhóm lên nơi anh Lê Đăng Toản không thể kết thúc ở đó. Khi tất cả đã từ bỏ, anh vẫn đau đáu với nghề và quyết tâm dù chỉ có một mình cũng phải khôi phục nghề. Anh xin hợp tác xã những khung dệt cũ và tự dựng lại, tự mày mò nghiên cứu để khôi phục thành công được các dòng vải the/sa cổ đã thất truyền nhiều thập kỷ. Có những loại vải bắt buộc phải dệt thủ công hoàn toàn và đến nay vẫn chỉ có mình anh Toản có thể dệt được.

Nghệ nhân Lê Đăng Toản bên khung dệt thủ công với loại vải sa nam.

Dù hiện giờ duy trì xưởng dệt duy nhất của La Khê, nghệ nhân Lê Đăng Toản vẫn không ngừng cố gắng. Anh vẫn đang tiếp tục để có những sáng tạo trên hoa văn và kết hợp với các nhà thiết kế để đưa vải the lên các sản phẩm đương đại, đưa hơi thở của the/sa La Khê gần hơn với đời sống.

Đón xem "The La Khê - Hơi thở tơ lụa" trong loạt phim tài liệu "Nghệ nhân Hà Nội" phát sóng lúc 10h00 thứ Bảy, ngày 23/11/2024 trên Kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.