Nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ
Nằm sâu trong con ngõ 73 trên phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội, ngôi nhà nhỏ của ông bà Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan hơn 4 thập kỷ qua vẫn ngày ngày chứng kiến vợ chồng ông Hòa miệt mài làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Vốn là người ít nói, ông Hòa cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ. Gia đình bà Lan có 8 anh chị em nhưng duy nhất bà Lan theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi 2 ông bà lấy nhau, bố vợ đã truyền nghề cho ông.
Nói về công đoạn làm mặt nạ giấy bồi, bà Lan cho biết, tất cả các bước đều làm thủ công 100%, chỉ có giấy là tái sử dụng. Để hoàn thiện một chiếc mặt nạ, hai ông bà phải thực hiện qua rất nhiều công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, lên khuôn, bồi thô, phơi phôi, sơn vẽ.
Việc làm mặt nạ giấy bồi tuy không quá khó nhưng đòi hỏi người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, kiên trì. Mỗi ngày, ông Hoà và bà Lan làm việc đều đặn 10 tiếng, tuổi tác khiến mắt cả hai ngày càng kém, cứ khoảng một tiếng là cả hai sẽ dành ra khoảng 15 - 20 phút để nghỉ ngơi.
"Để tạo một chiếc khuôn này, nhà tôi phải cần trên dưới gần 30 chiếc khuôn mặt nạ khác nhau. Vì thế làm cái mặt nạ là phải cần cù, chịu khó và có một chút khéo tay thì làm cái mặt nạ nó mới có hồn. Công đoạn nào cũng khó, nó đều là một cái quy trình liên kết với nhau." ông Hòa chia sẻ.
Theo nghiên cứu lịch sử, người Việt cổ đã biết làm những chiếc mặt nạ từ vỏ cây, da thú từ 2.000 - 3.000 năm trước. Tiến tới thời đại văn minh, giấy bồi là nguyên liệu được thay thế để sản xuất mặt nạ. Tuy vậy, không giống với các sản phẩm truyền thống khác, nghề làm mặt nạ không tập trung theo làng nghề.
Nhìn bề ngoài, chiếc mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản dễ làm nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, nghệ nhân dân gian phải tốn khá nhiều công sức. Đầu tiên, họ phải làm khuôn bằng đất nung hay bằng gỗ, sau này được đúc bằng xi măng. Mặt lõm của khuôn được tạo hình những con vật quen thuộc hoặc những nhân vật trong các truyện cổ tích, truyền thuyết.
Tiếp theo là công đoạn chuẩn bị giấy dán. Những miếng giấy xé nhỏ được nghệ nhân xếp vào khuôn thành từng lớp và bồi dính lên nhau bằng những lớp keo làm từ bột sắn. Sau khi bồi giấy đến một độ dày nhất định thì nghệ nhân sẽ gỡ chiếc phôi mặt nạ mang đi phơi nắng.
Khi mặt nạ khô là lúc vẽ màu, trang trí hoạ tiết tuỳ theo hình thù nhân vật được bồi đúc. Mỗi lớp vẽ xong lại chờ khô mới vẽ lớp kế tiếp. Mặc dù hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi được vẽ và làm hoàn toàn bằng tay, nhưng khá đều nhau và rất thần thái.
Với sự xuất hiện các món đồ chơi hiện đại, nghề làm mặt nạ giấy bồi của ông Hòa và bà Lan đứng trước nhiều thử thách. Khách ngày càng ít, nghề truyền thống cũng nhiều người bỏ.
Khi được hỏi có lúc nào nghĩ mình sẽ phải dừng làm mặt nạ thủ công lại không thì ông bà trả lời rằng: "Cũng có lúc nghĩ đến như thế, bởi vì mặt nạ nhựa, một ngày người ta ép hàng mấy nghìn mặt, nhưng ngược lại hai vợ chồng làm cả ngày chỉ được 20 mặt. Lúc đấy cũng có một chút nao núng. Nao núng xong rồi hai vợ chồng bảo nhau thôi, cái nghề truyền thống của cha ông mình để lại, mình cứ cố gắng mình gìn giữ. Khi đấy chúng tôi vẫn cứ làm."
Thế rồi không phụ người có tâm, biết ông Hòa và bà Lan là những nghệ nhân cuối cùng ở Hà Nội gắn bó với nghề, nhiều du khách thậm chí còn tìm đến tận nhà tìm hiểu về lịch sử, quy trình tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi.
Theo ông Nguyễn Văn Hoà, để làm một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp.
Khi được hỏi, lý do gì khiến ông bà giữ nghề cho đến nay, nghệ nhân Đặng Hương Lan chia sẻ, có lẽ cũng là cái nghiệp. Và chính tình cảm của những người yêu mến chiếc mặt nạ giấy bồi ấy mà vợ chồng nghệ nhân cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa với xã hội và có thêm động lực, quyết tâm giữ nghề.
Mặc cho sự phát triển của cuộc sống hiện đại, nhiều người đã dần quên đi món đồ chơi độc đáo ấy, thế nhưng, vợ chồng ông Hòa vẫn tiếp tục làm việc, tất bật tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi với hy vọng "gìn giữ" nghề truyền thống bởi theo vợ chồng người nghệ nhân già, mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi đều có ý nghĩa riêng biệt, không chỉ là món đồ chơi mà còn là văn hóa Việt Nam.
Xuất phát từ tình yêu với những họa tiết cổ truyền và ký ức về những chiếc áo bông thời thơ ấu, nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ đã đem câu chuyện của mình vào các thiết kế áo bông mang âm hưởng đương đại.
Sáng 11/12, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.
Gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch... trong đời sống đương đại là trăn trở chung của những người làm nghề. Đáng mừng là giờ đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có lớp nghệ sĩ mới tài năng, kiên định với sứ mệnh gìn giữ tinh hoa dân tộc, trong đó có NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm - Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Là một trong những nhà thiết kế theo đuổi con đường nhung, lụa thêu tay, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã dành nhiều tâm huyết để đưa chất liệu nhung, lụa Việt Nam lên một nấc thang mới. Hành trình ghi dấu phong cách riêng của mình trong làng thời trang Việt của cô gái trẻ là cả một sự nỗ lực để hồi sinh, đưa những sản phẩm nhung lụa thêu tay truyền thống đến gần với đời sống đương đại.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đã có những thời điểm làn điệu dân ca truyền thống của làng quê Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyên Mê Linh) đứng trước nguy cơ biến mất. Trong bối cảnh đó, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược đã dành rất nhiều công sức và tự bỏ kinh phí để sưu tầm, truyền bá và làm "sống" dậy làn điệu chèo Xa Mạc. Ông được người dân nơi đây yêu quý gọi với cái tên - ông Lược Chèo.
0