Cách phòng tránh và điều trị bệnh nhiễm xoắn khuẩn Leptospira

Xoắn khuẩn Leptospira là nguyên nhân gây bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospirosis), thường ký sinh trên gia súc, gia cầm và nguồn nước ô nhiễm, lây nhiễm cho người qua tổn thương niêm mạc. Nếu không điều trị, bệnh Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.

Mới đây, Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nam có tình trạng tổn thương thận cấp và suy gan cấp do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira sau khi đi chơi thác nước.

Hiện nay, bệnh xoắn khuẩn Leptospira ở người ít phổ biến, nhưng bệnh vẫn xuất hiện tản phát, nhất là trong mùa mưa lũ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhiễm khuẩn xoắn Leptospira

Bệnh Leptospirosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Leptospira gây ra. Ở người, bệnh chủ yếu lây lan khi tiếp xúc với nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh hoặc có thể xảy ra do tiếp xúc với đất hoặc nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn này (nguồn nước hoặc đất có thể bị ô nhiễm do nước tiểu của súc vật hoang dã bị bệnh). Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc niêm mạc, như mắt hoặc miệng. Sau đó xoắn khuẩn này sẽ đi vào máu và lan ra khắp cơ thể.

Thông thường vi khuẩn Leptospira được thải ra theo nước tiểu khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, người ta đã theo dõi ở cả người và ở súc vật thì sau khi mắc bệnh cấp tính, Leptospira được đào thải trong nước tiểu nhiều tháng, thậm chí có thể nhiều năm. Đặc biệt, các súc vật là ổ chứa Leptospira phổ biến, nhất là các loại hoang dã có thể lây truyền bệnh suốt đời.

Khuẩn xoắn Leptospira ở động vật lây sang người gây bệnh Leptospirosis.  Ảnh: Internet

Bệnh phát sinh và phát triển quanh năm nhưng thường thấy bệnh xảy ra nhiều vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều từ mùa hè tới đầu mùa thu. Bệnh lây trực tiếp do người, động vật khỏe tiếp xúc trực tiếp với người, động vật mang bệnh.

Ở người bị bệnh Leptospira thể hiện triệu chứng qua 2 giai đoạn:

+ Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng giống như trường hợp nhiễm virus. Người bệnh sốt, trong máu có vi khuẩn. Giai đoạn này kéo dài 4 - 7 ngày.

+ Giai đoạn tiếp theo kéo dài 30 - 31 ngày, đặc trưng là triệu chứng đau cơ, nôn mửa, chướng bụng, thể viêm màng não chiếm 80% số người mắc bệnh. Người bệnh có triệu chứng vàng da và niêm mạc, sốt, có thể rối loạn chức năng gan, thận, dần dần suy thận, loạn nhịp tim, viêm phổi xuất huyết. Tỷ lệ tử vong ở người có thể chiếm 5 - 40% số ca bệnh.

Bệnh có biểu hiện vàng da và niêm mạc, rất rõ ở niêm mạc mắt. Trên da và niêm mạc miệng có những mảng hoại tử, loét. Tổ chức liên kết dưới da vàng, keo nhầy và thủy thũng. Tích nước xoang ngực, xoang bụng, dịch có màu vàng. Xuất huyết dưới da, niêm mạc ruột, phổi, tim, thận và lách, máu loãng.

Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, kịp thời, người bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não; Suy gan; Tổn thương thận (có thể dẫn đến suy thận); Các vấn đề về hô hấp; Suy giảm huyết động (sốc);  Sảy thai hoặc chết lưu ở phụ nữ mang thai; Đe doạ tính mạng.

Cách phòng ngừa bệnh xoắn khuẩn Leptospira

Xoắn khuẩn Leptospira khá nguy hiểm khi gây bệnh ở người. Do đó, mọi người nên có những biện pháp phòng bệnh tích cực như:

- Tránh bơi trong các ao, hồ, sông, suối tự nhiên, nhất là những khu vực có nhiều động vật hoang dã vì các địa điểm này có khả năng cao nhiễm nước tiểu của động vật nhiễm bệnh.

Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn Leptospira. Ảnh: Internet

- Tránh bơi trong các vùng nước sau khi mưa lớn hoặc lũ lụt. Đặc biệt, nếu có mưa lũ, nên hạn chế tiếp xúc với nước ô nhiễm, nếu cần thiết phải có các dụng cụ bảo hộ như đi ủng, đeo găng tay...

- Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm Leptospira cao phải được trang bị đồ bảo hộ như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt...

- Tại các cơ sở chăn nuôi, các lò mổ, bể bơi… kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ quần thể chuột, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.

- Cần quản lý vật nuôi, tránh thải nước tiểu, phân trực tiếp ra ao hồ gây ô nhiễm nước, tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, giám sát bệnh ở vật nuôi. Điều đặc biệt, không tắm ở ao hồ, sông, suối nhiễm bẩn.

Điều trị bệnh Leptospirosis

Điều trị Leptospirosis dựa trên nguyên tắc dùng kháng sinh đặc hiệu, phổ rộng để điều trị. Kháng sinh cần được điều trị sớm, đúng kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn và dài ngày.

Ngoài ra, sử dụng thêm một số thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước. Khi mắc bệnh, nên nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng, nhiều thức ăn chứa vitamin, nâng sức đề kháng của cơ thể.

Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu vì các triệu chứng không điển hình. Tuy nhiên, nếu sau khi tiếp xúc với nước tiểu động vật hoặc vui chơi, làm việc trong các môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị sớm./.

Tổng hợp

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu phân bổ vitamin A cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi nhằm tăng hệ miễn dịch ở trẻ.

Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng, chống.

Kết hôn và sinh con vốn được coi là chuyện quan trọng của đời người. Nhưng với nhiều người trẻ hiện nay, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của họ cởi mở hơn rất nhiều.

Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 55 tuổi bị tái phát nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.