Phố đêm Tạ Hiện

Ngày nay, phố Tạ Hiện được mệnh danh là “con phố không ngủ của Hà Nội”. Phố đã gắn liền với cuộc sống của người Hà Nội và níu chân du khách mỗi khi họ có dịp ghé qua khu phố cổ.

Nằm ở phía Đông thành Hà Nội, phố Tạ Hiện thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, là một khu phố cổ. Thời Pháp thuộc, phố này có tên gọi là Rue Géraud. Từ năm 1945, phố mang tên chí sĩ Tạ Hiện, một trong các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp.

Vẻ đẹp cổ điển của ngôi nhà truyền thống Việt Nam kết hợp với thanh lịch và sang trọng của kiến trúc Pháp tại Tạ Hiện. Ảnh: Internet

Ngõ nhỏ, phố nhỏ…

Phố Tạ Hiện không dài, chừng gần 270m và chỉ cách hồ Gươm 250m, nhưng có sức hút kỳ lạ với khách nước ngoài, đặc biệt là với những khách Tây bình dân mà ta vẫn quen gọi là “Tây ba lô”. Do đó, dân Hà Nội gọi phố Tạ Hiện là “phố Tây”. Với kiến trúc bao gồm những mặt tiền kiểu thuộc địa, Tạ Hiện được xem là con phố có giá trị bậc nhất trong tuyến phố đi bộ. Những cái tên từng nổi tiếng Hà thành một thời như rạp Quảng Lạc, ngõ Hài Tượng, ngõ Sầm Công… đều nối với tuyến phố này.

Thuở xưa, khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long thì mấy làng của tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương và các làng quanh đồng bằng Bắc bộ cũng theo về đây lập nên làng nghề mà trở thành khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất. Đầu đời Lê, trong sách “Dư Địa chí” Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến tên một số phường nghề tại đây như phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, mâm võng, dù và lọng; phường Yên Thái làm giấy; phường Nghi Tàm và phường Thụy Chương dệt vải, lụa; phường Hà Tân nung đá vôi; phường Hàng Đào nhuộm điều; phường Tả Nhất làm quạt; phường Thịnh Quang có long nhãn… Tuy phố Tạ Hiện không định hình thành phố làng nghề, nhưng việc buôn bán ở đây được nối rộng từ các phố nghề lân cận và nó trở nên nổi tiếng cùng với những địa danh như hồ Gươm, hồ Tây, Nhà thờ Lớn, làng gốm Bát Tràng... Ngày nay, phố Tạ Hiện được mệnh danh là “con phố không ngủ của Hà Nội”. Phố đã gắn liền với cuộc sống của người Hà Nội và níu chân du khách mỗi khi họ có dịp ghé qua khu phố cổ.

Tôi sống ở quận Hoàn Kiếm nên có thể đi bộ trên những con phố nhỏ để từ nhà đến phố Tạ Hiện. Phố này nằm trong tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang - Hàng Đào. Thời kỳ Pháp thuộc, khu phố này vốn được gộp lại từ các đoạn phố cũ và mang tên là Rue Géraud. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn thường gọi Tạ Hiện là ngõ Quảng Lạc hơn, bởi ngay giữa phố là nơi đóng đô của rạp hát nổi tiếng nhất nhì Hà thành thời bấy giờ: Rạp hát Quảng Lạc. Đây là nơi diễn tuồng, chèo, nổi tiếng của Hà Nội và là chốn thưởng thức thi ca được giới thượng lưu yêu thích. Xung quanh rạp Quảng Lạc có đủ các cửa hàng ăn uống, giải khát phục vụ du khách dạo phố đêm. Từ những cửa tiệm bán phở, mì, cháo, quán bia đông đúc cho đến những gánh hàng rong bán chè, bánh rán… gộp lại tạo nên một khung cảnh sinh hoạt tấp nập ban đêm. Từ năm 1945, khu phố được đổi tên thành phố Tạ Hiện - tên của một vị lãnh tụ trong phong trào Cần Vương tại địa bàn tỉnh Thái Bình, chí sĩ Tạ Quang Hiện (1841 - 1887 hoặc 1893).

Phố đêm Tạ Hiện khi lên đèn buổi tối. Ảnh: Internet

Sự đối lập khó quên

Phố Tạ Hiện nhỏ và ngắn nên có vẻ sầm uất suốt các giờ trong ngày. Nhưng như thế không có nghĩa là nó không có vẻ thanh bình. Nhiều hôm tôi dậy sớm và nảy ra ý định tìm đến con phố luôn nhộn nhịp này để “xem buổi sớm mai phố như thế nào”. Hóa ra, khi ánh nắng mặt trời còn chưa kịp lên, tôi được cảm nhận một không khí yên tĩnh khác biệt so với buổi đêm say sưa ồn ã trước đó. Con phố mang dáng vẻ của một cô gái mơ màng. Tôi đi bộ, thong dong ngắm phố Tạ Hiện vào thời điểm yên bình hiếm hoi ấy. Thỉnh thoảng vài gánh hàng rong lướt qua những dãy nhà còn chưa mở cửa hoặc mới mở he hé. Thấp thoáng hình ảnh các cụ già vươn mình tập thể dục, vài hàng quà sáng lịch kịch dọn hàng. Đó là một hình ảnh quá khác biệt so với khi đêm về.

Đã có hôm tôi không ngủ được, dậy đi bộ, loanh quanh thế nào lại tới phố Tạ Hiện. Ban đêm, con phố nhỏ bất chợt trút bỏ tấm áo dịu dàng buổi sớm mai để trở thành “một cô gái đôi mươi sôi nổi” như cách ví von điệu đà của người bạn đồng hành tối đó. Phố trở nên nhiệt thành và đầy quyến rũ, rủ rê và níu kéo du khách đến khám phá phố cổ Hà Nội. Các hàng quán vỉa hè lên đèn, dọn bàn ghế ra ngoài. Mọi người nô nức kéo nhau đến thưởng thức ẩm thực hay cùng nhau tụ họp vui vầy. Người đến đây khá tấp nập, đa phần là những người trẻ. Khách du lịch nước ngoài đến phố Tạ Hiện khá đông, họ coi nếu đến Hà Nội và muốn thưởng thức đêm phố cổ thì dứt khoát phải đến phố Tạ Hiện. Hình như cái tên “phố Tây” ra đời từ đó.

Khách du lịch nước ngoài đến phố Tạ Hiện khá đông. Ảnh: Internet

Tôi dừng chân để nghe, xem và cảm nhận trong ánh sáng đèn đường, đèn của các cửa hàng, cửa hiệu, đặc biệt là các nhà hàng. Xin nói thêm là chuyện ăn uống ở đây cũng rất bình dân nên du khách đi từng nhóm, không phân biệt màu da, không phân biệt quốc tịch bỗng chốc nên gần gũi như thân nhau từ lâu lắm rồi. Họ kết bạn nhanh chóng, không băn khoăn, không e ngại. Họ ngồi bên nhau và trò chuyện sôi nổi. Dĩ nhiên, đến phố Tạ Hiện, gì thì gì cũng phải làm vài vại “bia cỏ” mới đúng chất chơi phố đêm. Chuyện uống bia ở đây cũng khá giản đơn, chỉ một chiếc bàn nhựa nho nhỏ, dăm chiếc ghế nhựa là đã đủ cho một nhóm vừa uống vừa trò chuyện lan man. Tất nhiên không thể thiếu được âm thanh quen thuộc “hai… ba… dô”. Tiếng cười, tiếng nói huyên náo không dứt cả con phố. Có thể nói phố Tạ Hiện chính là nơi giao thoa văn hóa và cũng là địa điểm lý tưởng nếu bạn muốn rèn khả năng ngoại ngữ của mình.

Phố Tạ Hiện còn là nơi diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tự phát, ca nhạc đường phố đầy tính ngẫu hứng với các tiết mục từ nhạc dân gian, nhạc trẻ, nhạc trữ tình, đến biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các quốc gia. Khoảng từ 22h trở đi là lúc giới “cú đêm” tiếp tục vào các quán bar, câu lạc bộ tiếp tục cuộc vui. Tùy vào sở thích mà mỗi người sẽ có sự lựa chọn của riêng mình, chọn quẩy trong không gian sôi động ở các quán bar hay chill cùng các quán cà phê nhạc acoustic trữ tình, sâu lắng.

Lỡ lạc chân tới phố đêm Tạ Hiện vài lần nên qua thời gian tôi cũng bị lây “nghiện” đến con phố “không ngủ” này. Tôi nhận ra nét quyến rũ rất riêng của người Hà Nội trên chính con phố, đó là nét cổ kính nhưng xen vẻ hiện đại cùng hơi thở của thời gian. Tôi nghiệm ra rằng, cổ kính mà hiện đại là hai nét đẹp tưởng chừng riêng biệt nhưng lại hòa cùng nhau. Con phố nhỏ và ngắn ấy nếu nhắm mắt lại sẽ tưởng tượng ra nó tựa như cô gái đôi mươi, vừa dịu dàng, vừa tinh nghịch, quyến rũ, ai lạc vào đây cũng phải trầm trồ thích thú. Và nếu đã ghé ngang một lần thì không thể không vấn vương mà quay lại lần hai.

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Nằm trong căn nhà nhỏ trên phố Lãn Ông, hiệu thuốc y học cổ truyền Nghi Hưng Long được ra đời từ năm 1900, đến nay đã trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối.

Đi giữa phố phường Hà Nội trong một chiều lá bay dày, nỗi nhớ ngày xưa chênh chao ùa về...

Với tôi, đó thực sự là những vườn hoa di động trên phố, là một nét rất Hà Nội của người Hà Nội. Và đôi lúc tôi tự hỏi nếu thành phố này vắng đi những vườn hoa đó thì không biết sẽ như thế nào?

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Đối với những người xa Hà Nội, hương hoa sữa của mùa thu là mùi hương của tình yêu, là ký ức yêu dấu mà họ sẽ mang theo suốt cuộc đời. Người đi xa nhớ da diết mùa thu Hà Nội, bởi mùa thu gọi họ sống chậm lại để yêu thương.