Hà Nội, nơi đi xa bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về

Có một người theo gia đình về sống ở Hà Nội khi vừa bước vào quảng đời niên thiếu nhiều mộng mơ. Chắc cũng vì đang ở độ tuổi ngây thơ, luôn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt sáng trong nên cảm nhận về Hà Nội thân thương trong cô đẹp và dịu dàng vô cùng. Nhiều năm xa Thủ đô, chuyển vào miền Nam sinh sống, nhưng lòng cô vẫn không thôi hoài mong nhớ về...

Thi thoảng, có nhiều thời gian, tôi lại tranh thủ mua vé tàu lửa từ Sài Gòn xa xôi về miền Bắc. Nhiều người thân quen hay trêu tôi chắc yêu thích anh chàng nào đó trên tuyến đường sắt Bắc Nam nên cứ kiên định thói quen đi tàu, dù vé máy bay di chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội hiện tại không hề đắt đỏ.

Những lần như thế, tôi vẫn giữ thói quen cũ, từ chối mọi chuyến ô tô đưa đón, một mình mang theo hành lý lên tàu, ngồi yên lặng nghe tiếng tàu chạy xình xịch, tiếng kim loại thỉnh thoảng khua vào nhau vang lên loảng xoảng đâu đó. Tôi thích đi tàu vì cảm giác bình yên khi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Sực nhớ khoảng thời gian lúc ấu thơ được theo cha mẹ đi tàu từ Hà Nội ra Cẩm Giàng thăm bà ngoại, đứa trẻ là tôi đã từng háo hức đến lạ kỳ trước sân ga như thế nào. Thi thoảng, tàu dừng lại tại một số nhà ga cũ, tôi hay mua giúp vài món hàng nhỏ như cái cách cha mẹ vẫn thường làm xưa kia. Ga đời vẫn lặng lẽ trôi, chỉ có hoài niệm và ký ức là mãi còn trong tâm hồn.

Những buổi sớm mai, tôi thường thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, nghe tiếng tàu vào toa ầm ĩ, thấy lòng mình nao nao khi nghe giai điệu: Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của tôi, Thủ đô yêu dấu...

Hà Nội dịu nhẹ trong buổi sớm mai. (Ảnh: Hoàng Duy)

Hà Nội thường đón tôi bằng không khí dịu nhẹ của buổi sớm mai, khi xung quanh còn bảng lảng trong sương sớm. Dù chưa kịp tỉnh cơn mộng mị nhưng bản thân vẫn giữ thói quen mở nhẹ ô cửa sổ, nhìn ra khoảng trời xanh mát, hít hà dư vị quen thuộc của Hà Nội, không thể trộn lẫn với bất kỳ vùng đất nào. Đó là mùi trầm tư của phố cổ, mùi hương thoang thoảng của hoa sữa và cả mùi chua thanh tao của cốc trà chanh vỉa hè.

Sực nhớ có một khoảng thời gian tôi qua Bangkok, Thủ đô của Thái Lan, thường lang thang một mình trên những cung đường có hoa sữa bừng nở. Thi thoảng, thấy cổ họng khát khô, tôi ghé ngang một xe đẩy bên đường, mua cốc trà chanh kiểu Thái chua nhẹ. Chợt nhớ đến khoảng đời niên thiếu vô ưu vô lo, bản thân thường cùng bạn bè tụ tập trước cổng Nhà thờ Lớn, nghe tiếng chuông chiều rung nhẹ từng hồi, khẽ nhấm nháp vị chua của trà, chút mằn mặn của hạt hướng dương, lòng mê mải nhìn khung cảnh bình yên trước mắt.

Khi hít hà mùi hương của hoa sữa, nhấm nháp vị chua dịu của cốc trà chanh, lòng tôi miên man nhớ về Hà Nội, dù đang sống ở một trong những thành phố sôi động nhất châu Á. Chính điều này khiến tôi suy ngẫm rất nhiều về tình yêu, những gắn bó và liên kết đặc biệt với một vùng đất. Cũng bởi, nhiều cảnh sắc có thể giống nhau, ẩm thực giống nhau, thậm chí thời tiết có thể tương tự nhau, nhưng điều gì khiến chúng ta lưu luyến một nơi nào đó hơn những nơi khác. Điều này chắc chắn phải xuất phát từ nơi gây cho ta nhiều cảm xúc, níu giữ tâm hồn và bước chân chúng ta. Hà Nội trong suy nghĩ của tôi, là một nơi như thế.

Hà Nội thường ưu ái cho tôi cảm giác được dạo chơi trong một buổi sớm mai tuyệt đẹp, khi đường sá còn thưa thớt, để bản thân được chậm rãi tận hưởng sự bình yên, trầm mặc của mảnh đất mình yêu. Đâu đó giữa những chuyến dạo chơi, tôi hay ngẩn ngơ đứng ngắm nhìn từng góc phố cổ với những vệt tường loang lổ, các mái nhà nghiêng nghiêng nép mình. Tôi khẽ khàng theo mẹ vào chợ, ghé hàng rau mua ít cà muối, rau đay, thêm vài bìa đậu để dành cho bữa trưa. Ngôi chợ dân sinh nằm khuất sau ngõ nhỏ trước nhà tôi vẫn như xưa, thâm trầm và lặng lẽ. Chỉ vài phút dừng chân cũng đủ khiến bất kỳ người đi xa nào cũng phải hoài niệm.

Tôi đi qua cầu Chương Dương, lặng lẽ đứng ngắm cây cầu Long Biên trong một buổi sớm tinh khôi. Vẻ cổ kính của nó như một nét vẽ sơn dầu thật đậm của một tay họa sĩ dày dặn giữa phố phường Hà Nội. Trong hoài niệm của tuổi thơ tôi, mỗi góc phố, ngõ nhỏ, con đường lại có những dấu ấn riêng đặc trưng theo năm tháng. Chẳng nơi nào mà bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt với những khoảnh khắc giao mùa đầy thú vị như nơi đây.

Mỗi khi có dịp quay trở lại Hà Nội, dù ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, tôi luôn cảm thấy hân hoan đến lạ kỳ. Tôi thích đi chầm chậm, ngắm những hạt mưa xuân bay bay, nghe lòng mình háo hức trước biết bao đào mai, thược dược bừng nở trên phố. Hạ đến, khi ánh nắng vàng ươm đan xen qua từng kẽ lá, điểm xuyến thành những bông hoa nắng tinh khôi, chúng tôi lại rủ nhau đạp xe đi dọc hồ Tây, để gió thổi mát rượi tóc mình. Thu sang, ngồi uống cà phê dưới bầu trời trong veo, nhìn nắng vàng phớt nhẹ trên những dãy phố cổ rêu phong và trầm mặc. Khi đông về, vì mê cái se sắt lạnh của gió mùa, nên thường lang thang ngồi bên những bếp than hồng nướng ngô khoai trên vỉa hè ấm áp đến nao lòng. Chỉ thế thôi cũng đủ để thấy Hà Nội hấp dẫn và quyến rũ đến nhường nào.

Trúc Quỳnh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…

Cơn gió bấc đầu mùa thổi về khiến cho đêm như sâu thêm, dài thêm. Sáng ra, có người cứ trở mình qua lại, cuộn trong chăn ấm như con tằm nằm trong bọc kén chẳng muốn chui ra ngoài. Chợt nhận ra trời đang chuyển mùa và rồi lòng lại miên man với những vẻ đẹp ngày đông!

Không có tài liệu nào ghi lại nhưng chắc hẳn nghề thu tiền điện ra đời cách đây 130 năm, cùng lúc với sự kiện nhà máy đèn Bờ Hồ khánh thành phát điện. Những tờ biên lai tiền tiện được lưu giữ qua thời kỳ với nhiều bảng giá khác nhau, cùng ký ức của các bà nội trợ cho thấy sự xuất hiện định kỳ của nhân vật ít được mong đợi - là những nhân viên thu tiền điện.

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.