Tháng Giêng trong tôi
Chiều nay, mời bạn xuôi theo những dòng cảm xúc của Hà Kim Quy trong một ngày tháng Giêng.
Mưa bay mờ mịt đất trời, mưa giăng mắc trên những lùm nhãn, những cây xoan, những cây cúc tần bên giậu, quấn quýt mờ mịt cả những dây tầm gửi màu vàng cam buông từng chùm như mái tóc búp bê. Một màu trắng đục, mờ mờ bảng lảng trong không trung... Mưa làm cho mấy cây nhãn, cây xoài đang ngẩng cao những ngồng hoa đu đưa trong gió giờ nặng trĩu cành, ướt đẫm nước mưa, rủ xuống như ưu tư, như trầm mặc với đất trời.
Theo kinh nghiệm của bà nội tôi, bao giờ có một trận mưa rào to, trút hết hoa vải hoa nhãn thì trời mới nắng. Quả thật, bao nhiêu năm, tôi cứ nhìn vườn cây tháng giêng mà chiêm nghiệm lời bà nói. Năm nào cũng có những trận mưa rào cuối mùa làm trút sạch cả chùm hoa, trút hết cả những hoa đực và hoa cái không đậu quả, chỉ để lại những chấm xanh bé như hạt đỗ, đó chính là quả xoài, quả vải, quả nhãn trĩu cành sau này. Nếu càng nhiều chấm xanh thì cây càng sai quả.
Trong vườn, những cây chuối chẳng phân biệt mùa màng, bốn mùa vẫn xanh tươi, xòe tay đón gió. Những đêm cuộn tròn trong chăn ấm với bà, sáng sớm tỉnh dậy việc đầu tiên là tôi lắng tai nghe xem ngoài sân có tiếng gì không, nếu có tiếng lộp độp là hôm đó trời mưa, mưa nhỏ nhưng cứ tích tụ thành giọt lớn, rơi từ cây cau, cây nhãn gõ đồm độp xuống tàu lá chuối. Những hạt nước giọt gianh từ mái tranh tí tách rơi xuống sân gạch. Có những buổi chiều mưa, tôi ngồi dưới hàng hiên cả giờ ngắm mưa mà không chán. Những cọng cỏ tranh được nước mưa đọng lại càng ngày càng to, trong suốt như pha lê rồi khi nặng trĩu, nó rơi xuống. Đã bao lần bọn trẻ chúng tôi đã xòe tay hứng mưa rơi từ mái tranh, hứng hết giọt này đến giọt khác một cách thích thú.
Mưa làm những cây na khẳng khiu giật mình thức giấc, hé nẩy chồi non xanh tươi. Ban đầu mầm cây bé bằng đầu tăm rồi to dần bằng móng tay, rồi lớn dần... Ngày ấy, tôi cứ thắc mắc sao bà trồng nhiều chuối thế. Bà bảo: “trẻ trồng na, già trồng chuối con ạ”. Trong đầu óc non nớt của tôi hồi đó, tôi cứ nghĩ cây na lâu được ăn quả hơn cây chuối nên các cụ mới trồng chuối để chóng được thu hoạch. Có lần ngồi nhổ tóc sâu cho bà, bà bảo điều đấy cũng đúng nhưng chỉ đúng một nửa, tôi tròn mắt nhìn bà, bà mắng yêu và giải thích: “Tuổi già, răng rụng hết, chỉ ăn được chuối mềm thôi chứ na chín nhưng răng lợi khủng khiểng, lựa làm sao được hạt.” Đôi khi con người có những ý nghĩ cứ mặc định, cứ đóng đinh trong đầu là đúng, là duy nhất.
Tháng Giêng mưa phùn, đường đất lầy lội và trơn. Trời rét tưởng như mùa đông còn vương lại, vậy mà mẹ vẫn quang gánh vội vã, tất bật ra đồng nhổ mạ, cấy lúa. Mười ngón chân mẹ bấm chặt vào đường đất sét trơn để khỏi ngã mỗi khi gồng gánh ra đồng. Tối về, bàn tay, bàn chân mẹ rét cóng, thâm tím, tôi thường đốt lửa cho mẹ sưởi để xua tan giá rét. Nhà chỉ có mình mẹ lo toan việc đồng áng và gánh vác mọi việc trong nhà từ lợp lại mái tranh, trát vách, cạp rổ, rá, đan nong, nia, thúng mủng… Ba tôi đi công tác xa, mỗi năm về một lần. Em Bông chưa kịp quen ba thì ba lại đi, để mẹ và tôi dõi theo chiếc ba lô nhỏ dần cuối con đường trong nỗi nhớ thương, mong chờ. Thương mẹ, tôi chỉ biết nấu cơm thật ngon, dọn nhà thật sạch và chiều tối mang dép sẵn ra cầu ao để mẹ về rửa chân. Tôi cũng bớt ham vui với lũ bạn, học hành chăm chỉ hơn để mẹ vui lòng.
Tuổi thơ gian khổ nhưng mà vui. Tôi hồn nhiên lớn lên cùng lũ bạn với những con đường tắt đến trường băng qua cánh đồng, với những ruộng lúa trơ gốc rạ sau mùa gặt, với màu xanh bát ngát tận chân trời khi lúa đương thì con gái và màu vàng tươi no ấm mỗi vụ tháng năm, tháng mười. Bàn chân, bàn tay đứa nào cũng nẻ nứt toác, rướm máu qua mỗi mùa đông nhưng vẫn chạy băng băng nô đùa trên những thửa ruộng vỡ cày mà không biết mệt. Chúng tôi thường nhặt những quả phi lao để đốt lò nung nặn bằng đất sét, sưởi ấm cho nhau. Hồi đó quần áo chống rét đâu có nhiều như bây giờ, mỗi cái áo rét cũng phải truyền ít nhất từ ba đến bốn đời, có khi đến đứa em út mặc thì đã sờn hết cả bông. Giờ đây, đi trên những con đường làng trải nhựa, đổ bê tông phẳng lì mà lòng vẫn thổn thức hoài niệm về những con đường lấm láp, lầy lội ngày xưa.
Cuối tháng giêng, bất chợt một ngày, ngẩng lên thấy những chùm hoa xoan tim tím, trăng trắng treo đầy ngọn cây. Hoa xoan không thơm, ngược lại còn hăng hắc, khó ngửi. Bà nội bảo, cứ mùa hoa xoan là muỗi về nhiều. Tôi chẳng biết hoa xoan có liên quan gì đến muỗi không nữa nhưng thi thoảng, cuối ngày đi làm về, thấy trên quang gánh của mẹ có ít cành lá bạch đàn, mẹ bảo lấy về đốt cho bớt muỗi. Cái màu sắc tim tím, sang sáng của hoa xoan ấy khi rụng xuống đường, xuống sân vườn lại in đậm rất sâu trong ký ức tuổi thơ tôi. Hình như các sắc màu mà thiên nhiên tạo ra, nó rất hài hòa, ấn tượng và đẹp đẽ chứ không như lũ chúng tôi, khi đi học vẽ cứ vẽ bừa, chẳng biết màu nào đi cạnh màu nào.
Đầu làng tôi có cây gạo rất to, nó cao hơn tất cả các cây khác trong các vườn xung quanh đó. Cũng từ cây gạo đó mà mọi người trong làng gọi tên cho vùng đất đầu làng ấy là cây gạo. Lũ trẻ chúng tôi đều thích chơi ở đó. Đồ chơi cũng chỉ có mấy cái lá mít, lá cúc tần, lá dâm bụt giả vờ bán bán mua mua, tiền cũng bằng lá, nấu cơm cũng bằng lá mít cuộn vào, gài mấy cái que thành cái nồi bắc trên mấy ông đồ rau là mấy hòn sỏi, hòn gạch. Thế mà chơi mãi không chán.
Cuối tháng Giêng, cây gạo rụng hết lá, trơ trọi những cành khẳng khiu như những nét vẽ nguệch ngoạc lên nền trời u ám. Những nụ hoa gạo to dần trên những cành cây, chúng lớn lên từng ngày với tiếng hót của các loài chim về tụ hội. Rồi một ngày hoa gạo nở đỏ rực trời, chúng tôi chỉ biết đứng dưới gốc cây mà ngắm vẻ đẹp ngạo nghễ, rực rỡ, chói lòa của nó. Dường như tất cả tinh chất từ mạch ngầm của đất được cây hút và dồn hết vào các bông hoa. Hoa gạo to, đỏ thắm như bàn tay người lớn, khi nó rụng xuống, chúng tôi mới lấy hoa chơi vì cây quá cao, chẳng đứa nào leo lên được.
Nhớ nhất những buổi đợi mẹ đi chợ, tôi cứ đứng tựa gốc gạo mà ngóng về con đường xa tắp dẫn ra chợ huyện. Mẹ đi chợ chẳng có làn hay túi như bây giờ mà mẹ thường đem theo cái thúng. Lúc mẹ về, đứa nào cũng muốn lục tung cái thúng lên để lấy quà. Biết vậy, nên mẹ hay để quà cho anh em tôi lên trên cùng. Khi là cái bánh đa nướng giòn tan, khi là con tò he xanh xanh, đỏ đỏ đậu trên một cái que tre. Có hôm mẹ còn mua cho em Bông một con búp bê bằng sành rất đẹp. Thuở đấy, quà với chúng tôi như vậy là xa xỉ lắm rồi. Mẹ phải góp nhặt bao buổi bán lá trầu không và cau mới có được. Hôm tôi đá bóng, vô tình làm vỡ con búp bê của Bông làm Bông khóc sưng mắt, nó đi nhặt từng mảnh để chắp, ghép lại nhưng không thành. Tôi ân hận lắm, hứa với lòng mình, sau này đi làm có tiền sẽ mua lại cho em con búp bê thật đẹp. Nhưng lúc tôi làm ra tiền thì Bông cũng chẳng cần chơi búp bê nữa.
Rồi nắng lên, lúa xanh khắp cánh đồng. Hoa bưởi trắng ngần trong kẽ lá, hoa cau tỏa hương thơm dịu dàng lan khắp khu vườn. Tiếng chim hót ríu ran trên ngọn tre. Cây cối tràn đầy nhựa sống, đâm chồi nảy lộc mỡ màng. Cây đào bật mầm xanh non. Cây nhất chi mai bung hoa rực rỡ. Cây xoài bung những chiếc lá tím nhạt mềm mại như những chiếc nơ ai vắt lên cây. Chậu cúc đại đóa của ông nở vàng rực rỡ… Lúc đó tôi có cảm giác đất trời mới thật sự sang xuân, khắp nơi ngập tràn một màu xanh ngút ngát, thanh bình, yên ả. Dù đi xa, cứ mỗi mùa xuân, cứ khi nghe tiếng chim gọi bạn, tiếng gà cục tác, lòng tôi lại nao nao, khoảnh khắc ấy thấy mình như hồi còn bé dại, cứ miên man nghĩ tới quê nhà.
Tháng Giêng năm ấy, tôi nhớ có một ngày nắng đẹp, mọi người lo chuẩn bị mai giỗ anh trai của ông nội. Trưa đó, ông bảo bà đun cho ông nồi nước tắm bằng các loại lá thơm. Đêm đó ông bay về trời, ông đi thanh thản nhẹ nhàng như chiếc lá rời cành, để lại khoảng trống mênh mông trong lòng mỗi người chúng tôi. Sau này bà kể lại: “Ông bảo bà đun nước tắm cho ông để ông đi với anh trai, tưởng ông nói vậy thôi, ai ngờ ông đi thật”. Phải mất rất nhiều ngày sau đó mọi người trong gia đình mới quen được sự thiếu vắng ông trong ngôi nhà bé nhỏ của mình.
Mỗi độ tháng giêng về, lòng tôi lại bâng khuâng thương nhớ. Một miền ký ức xa xưa dội về với những vui buồn. Người ta nói rằng: “Những gì xảy ra sẽ không bị mất đi và lãng quên mà tất thảy đều để lại dấu ấn trong lòng vũ trụ”. Tôi tin vào điều ấy như tin vào tháng Giêng - tháng đặc biệt khởi đầu của năm mới, nó như có phép màu làm vạn vật hồi sinh./.
Có một người được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Cô luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính, được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ, được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành với nét duyên dáng đặc trưng của mình… Và rồi cô cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ.
Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.
Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.
Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.
Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.
Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.
0