Sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, khéo léo, sáng tạo

Làng nghề Hạ Thái tại huyện Thường Tín (Hà Nội) từ lâu đời đã nổi tiếng với nghề sơn mài truyền thống, mỗi năm sản xuất hàng triệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn là kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa với truyền thống làng nghề hơn 200 năm tuổi.

Làng nghề Hạ Thái tại huyện Thường Tín (Hà Nội) từ lâu đời đã nổi tiếng với nghề sơn mài truyền thống.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tiền thân làng nghề là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng, sau đổi tên thành làng Đông Thái và sau là Hạ Thái với công việc chính là sơn son thếp vàng các đồ vật dâng vua, chúa và hoàng tộc.

Tương truyền, nghề sơn Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải ông tổ nghề sơn của Việt Nam, nhưng phường sơn son thếp vàng Cự Tràng là một nơi được trọng dụng vì có nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho tầng lớp quý tộc và vua chúa lúc bấy giờ, nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua".

Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn. Những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật, tre… và đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài xuất hiện từ đó.

Cũng trong giai đoạn này, cụ Đinh Văn Thành - giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương, là người làng Hạ Thái - đã đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng. Nhờ vậy, nghề sơn mài tuy ra đời muộn hơn các nghề cổ truyền khác nhưng nó đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, cầu kỳ trong quá trình sáng tạo để làm nên sản phẩm.

Khi mới ra đời, sơn mài chỉ có 3 mầu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân làng Hạ Thái đã phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau, lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng, Mầu dưới nâng mầu trên, lại tiếp những lớp bột vàng, bột bạc được rắc phủ đậm, nhạt tạo nên những sắc mầu tươi tắn lạ thường.

Sản phẩm Sơn Mài của làng Hạ Thái. ( Ảnh bao quehuong)

Xưa kia những người thợ thủ công chỉ tập trung vào sản xuất hàng sơn son thiếp vàng, chủ yếu dùng các loại sơn ta, cách pha theo kinh nghiệm cổ truyền. Loại sơn này lấy từ Phú Thọ, đặc tính của nó rất độc vì vậy trong quá trình pha chế nếu không cẩn thận sẽ bị ăn lở, sưng húp cả mặt. Chính vì vậy, công đoạn pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, nó quyết định sự thành bại của sản phẩm. Giai đoạn này đòi hỏi người thợ thủ công phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn cho đến khâu thử sơn chính.

Người ta thường lưu ý rằng, sơn mài có những điểm "ngược đời": muốn làm khô lớp sơn vừa vẽ, tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình.

Nghề làm sơn mài lắm công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu, nếu không, sản phẩm hoàn chỉnh sẽ chẳng thấy được cái hồn cốt đâu cả.

Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện. Để khi ngắm một sản phẩm được hoàn thành, người xem phải cảm nhận sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sa; sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết đến tuyệt vời; và cảm nhận được công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ làm ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái vang xa trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại cho cuộc sống người dân nơi đây sự đổi thay rõ rệt.

Hiện nay, tranh sơn mài sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật được dùng khá phổ biến. Sơn ta có hạn chế là dễ gây tác dụng phụ cho người sử dụng (bị "sơn ăn"); ngoài ra, khi dùng sơn ta, chất lượng của tranh lại phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều, khi thời tiết ẩm thì sơn nhanh khô, nếu thời tiết khô ráo thì sơn rất lâu khô. Do vậy, sơn ta ít khi được dùng tại các nước có khí hậu khô ráo. Trong khi đó, sơn Nhật lại nhanh khô, nếu muốn vẽ tranh ở nước ôn đới cũng có thể thực hiện được.

Nhưng khi sử dụng sơn Nhật, để tranh được bóng, người ta thường dùng một lớp sơn trong (sơn cánh gián) phủ ra bên ngoài tranh, còn nếu tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh, tranh đã rất bóng rồi. Nhờ đặc tính độc đáo đó mà tranh sơn mài dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi ngắm, bức tranh có độ sâu hơn, có hồn hơn.

Mặt khác, các sản phẩm làm ra đòi hỏi nhiều kiểu dáng mẫu mã mới nên làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm độ bóng, bền và đẹp. Mỗi sản phẩm tráng từ 15-16 lớp sơn, ít cũng 10 lớp thì mới đảm bảo được độ bóng và bền của sản phẩm. Ngoài ra, bên cạnh vật liệu như gỗ, giấy đã được dùng lâu năm làm cốt tạo hình thì những năm gần đây, các vật liệu như: tre, nứa ghép, compozit, gốm được sử dụng phổ biến để tạo hình dáng phức tạp và lạ mắt, độc đáo hơn cho sản phẩm.

Theo những người thợ sơn Hạ Thái, mỗi sản phẩm sơn mài, dù chỉ bé nhỏ như chiếc chén, bát, lọ hoa hay “tầm cỡ” như bức tranh, quyển album đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn. Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: bến nước cây đa, con đò lá trúc, Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột... đặc biệt được ưa chuộng.

Hiện nay, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã có nhiều sự thay đổi về mẫu mã sản phẩm của mình. Nhiều sản phẩm mang tính thực tiễn hơn như lọ hoa, chén bát, hộp, khay... được làm từ sơn mài với nhiều mẫu mã đa dạng và bắt mắt. Kỹ thuật sơn mài giờ không chỉ còn được ứng dụng để sản xuất tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối , mà còn được phát triển để sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp như bàn ghế, giường tủ… Gốm sơn mài hiện là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước. Điều này đã giúp cho sản phẩm sơn mài của làng có tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã chiếm được niềm tin của không ít người tiêu dùng, đặc biệt là những người yêu thích sản phẩm sơn mài.

Sơn mài Hạ Thái giờ đã có một sức sống mới, đứng vững trong các làng nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng ở Việt Nam với hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sản phẩm của sơn mài Hạ Thái đã xuất hiện và nhận được sự thán phục của khách tham quan tại nhiều hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề trong và ngoài nước.

Từ năm 1997-1998 trở lại đây, khách hàng cũng như khách du lịch nước ngoài đến với làng Hạ Thái ngày một nhiều. Thậm chí, nhiều khách hàng nước ngoài còn đưa cả người thân đến thăm quan làng nghề, giới thiệu cho con cháu họ về nghề sơn mài. Với họ, Hạ Thái không chỉ còn là nơi để họ làm ăn, mà còn là nơi để họ tìm hiểu về một nét văn hóa đặc trưng của một dân tộc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Làng Vạn Phúc thuộc địa phận quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10 km, nổi tiếng với nghề dệt lụa từ ngàn đời. Những năm gần đây, bên cạnh việc sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng dệt may truyền thống, làng Vạn Phúc còn phát triển du lịch, trở thành một địa điểm được du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Với bề dày truyền thống, Lễ hội làng cổ Bát Tràng là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm gốm nói riêng và mỹ nghệ nói chung. Đây cũng là dịp để thế hệ sau thể hiện sự tự hào và tưởng nhớ các bậc tổ nghiệp đã truyền dạy cách để tạo ra các sản phẩm thực sự tinh xảo mang tầm hồn người Việt.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024.

Vân Hà là một trong những làng nghề sản xuất gỗ nổi tiếng, sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ Vân Hà được Hà Nội lựa chọn làm quà lưu niệm, quà tặng cho các đoàn khách trong và ngoài nước.

Làng nghề Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thường Tín nổi tiếng xa gần với nghề làm Bánh Chưng. Dịp cuối năm, cao điểm nhất là những ngày giáp Tết Nguyên Đán, không khí sản xuất nơi đây càng thêm tất bật.

Sau trào lưu chơi tranh thêu, tranh đá, tranh hiện đại...thời gian gần đây, xu hướng chơi tranh dân gian đang dần quay trở lại, trong đó rất nhiều người quan tâm, hứng thú với các tác phẩm của dòng tranh Đông Hồ. Để hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa của dòng tranh dân gian này nhiều bạn trẻ đã tìm về Đông Hồ, trực tiếp gặp gỡ những nghệ nhân đã dành cả cuộc đời để gìn giữ, hồi sinh, phát triển dòng tranh độc đáo của dân tộc.