Nỗi lòng người đi
Tròn một năm tôi xa Hà Nội, không còn được hít hà hương hoa sữa căng tràn lồng ngực, không còn những hoàng hôn đạp xe quanh hồ Tây lộng gió heo may, không còn những buổi chiều cuối tuần thả hồn theo những thảm lá vàng rơi trên những cung đường của Hà Nội. Thu Hà Nội đã xa mà sao vẫn thao thức trong tôi.
Đứng giữa mênh mông cánh đồng quê hương, tôi nhớ tha thiết trời Thu Hà Nội. Bầu trời cao vợi, mây lơ lửng thành từng tầng, những tia nắng vàng rải trên mặt đường, một chút se lạnh của gió heo may hay vài ba vệt nước đọng lại từ cơn mưa đêm. Tất cả đều chỉ để cảm nhận chứ không thể gọi tên.
Hà Nội cuối thu trong trí nhớ của tôi nơi nào cũng đẹp. Tôi thường dậy sớm, khoác một chiếc áo len mỏng và chạy xe ra đường. Thứ mà tôi cảm nhận được đầu tiên là sự yên bình đến lạ của chốn đô thị phồn hoa. Thong dong trên những con đường thênh thang dưới tán cây cổ thụ đang còn ngái ngủ, lá vẫn đọng sương, tiếp đến hít hà căng lồng ngực không khí mát lạnh đang thấm vào từng mạch máu. Những tia nắng sớm cố gắng lách qua từng tán lá cây để tìm cho bằng được gương mặt của những ai đi đường rồi xoa dịu bớt cái se lạnh. Những tia nắng vàng mỏng manh như những cô gái nhí nhảnh đang mải mê hát lên một khúc ca yêu đời.
Tôi thích nhất Hà Nội khi thu về, bởi lúc đó Hà Nội như một thiếu nữ được thay màu áo mới. Những chiếc lá sắc vàng theo gió đung đưa phủ đầy mặt đường khiến cho những trái tim dù cằn cỗi đến mấy cũng phải rung lên vài nhịp lỡ.
Tôi thương lắm Hà Nội cuối thu, hoa thơm quả ngọt tràn đầy. Và dù có người không thích mùi hoa sữa, nhưng tôi vẫn thấy thu Hà Nội sẽ không còn trọn vẹn nếu thiếu đi mùi hương của loài hoa này. Những lùm cây điểm trắng bằng những chùm hoa sữa li ti, hương thơm dìu dịu tỏa đi trong đêm là một ký ức không thể nào quên. Ngày ấy cũng vào một đêm cuối thu trong hương hoa sữa nhè nhẹ, người ấy đã nắm tay tôi không nói nhiều, chỉ nói đúng một câu, muốn cùng tôi đi đến cuối cuộc đời. Người ấy, bây giờ là chồng tôi.
Đối với tôi, hương hoa sữa của mùa thu Hà Nội là mùi hương của tình yêu, là ký ức yêu dấu mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời. Tôi nhớ tha thiết mùa thu Hà Nội, bởi mùa thu gọi tôi sống chậm lại để hiểu yêu thương. Cuối ngày, chọn một góc bình yên gọi một tách trà nóng hay ly cà phê tỏa hơi ấm trong tay. Ngồi lặng thinh nhìn qua ô cửa sổ, lúc này tiết thu mới thực sự ngấm vào từng tế bào cơ thể. Nhìn dòng người hối hả thường ngày nay bỗng chầm chậm, thong thả hơn dù chẳng ai nói với ai một lời. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra tâm hồn này như đã bị cuốn theo bộn bề cuộc sống ngoài kia, với những bộn bề tranh đua và giờ là lúc tâm hồn này được nghỉ ngơi.
Theo chồng về quê, mỗi sớm thu mở cửa ra, một nhịp sống khác Hà Nội đang trải ra trước mắt tôi. Dù tôi không nói ra một chữ buồn hay nhớ nào, nhưng chồng tôi biết tôi nhớ thương Hà Nội. Mỗi buổi sáng, anh thường rủ tôi dậy sớm, cùng nhau đi bộ trên đường quê. Phía sau nhà chúng tôi là một cánh đồng rộng lớn với ngô, khoai, táo, ổi và lúa. Biết tôi còn chông chênh, chưa quen với cuộc sống mới, chồng nắm chặt tay tôi, chúng tôi lặng lẽ bước đi bên nhau trong man mác gió thu, quyện trong gió là mùi của cỏ cây, của đồng ruộng cùng những mùi hương trong tâm tưởng về một Hà Nội mà tôi thương nhớ.
Mùa thu nay trên quê chồng là một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành trong tâm hồn tôi. Mở lòng ra để đón nhận những điều mới mẻ, có lẽ, tôi sẽ có được những niềm vui mà trước nay chưa từng có.
Thu Hường
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0