Dư vị ấm áp tuổi thơ

Có một người con tha hương, trong một sớm mùa đông bỗng thấy nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ kỷ niệm ấm áp tuổi thơ…. nhưng không tìm lại được dư vị của ngày xưa.

Một sớm mùa đông, kẻ tha hương có một ngày cuối tuần hiếm hoi được biếng lười nằm nghe gió lạt xạt ngoài hiên lẫn trong những thanh âm ồn ã phố phường, tự nhiên thấy có một nỗi bực dọc vô cớ chợt nghèn nghẹn dâng đầy. Tại sao bấy lâu ta cứ phải quăng mình vào guồng quay tất bật, rồi bất giác nhìn lại, hai tay vẫn khô gầy, chẳng thêm gì ngoài những vết chai sần và đường gân nổi lên thô kệch. Một tiếng thở dài khiến cái lạnh buổi sáng thêm não nề.

Bỗng nhiên thoang thoảng đâu đây một mùi hương ngầy ngậy, rất lạ mà cũng rất quen. Gã hít căng lồng ngực nhưng rồi lại thở dài tự hỏi: “Bấy nhiêu năm trên cõi đời, còn hương vị nào mà chưa từng nếm trải?”. Nhưng khứu giác đâu phải là kẻ vô tâm. Nó là giác quan có sức ảnh hưởng tức thì tới những giác quan khác. Nó gợi nhắc, dẫn dụ người ta mơ tưởng tới những thứ xa vời và hoài niệm về những điều thân thuộc trong quá vãng. Gã toan cất tiếng càu nhàu nhắc vợ con bật máy hút mùi để căn nhà không nồng mùi thức ăn. Nhưng cái mùi hương ngầy ngậy ấy mỗi lúc một đậm đà hơn khiến gã phải bật dậy hít hà. Trong gian bếp nhỏ, cô vợ đang rán những miếng mỡ khổ thái con chì để chuẩn bị nấu món bún riêu cua, một món ăn dân dã mà cầu kì, chỉ khi nào thật rảnh rỗi vợ gã mới bắt tay làm.

Mùi mỡ rán khi làm tóp mỡ khiến nhiều người nhớ đến món ăn thần thánh tuổi thơ.

Cái thời nghèo khó ấy đã qua cách đây mấy mươi năm. Chỉ những người qua cái tuổi bốn mươi như gã mới từng nếm trải nỗi eo hẹp ngặt nghèo của thời bao cấp. Bố mẹ là cán bộ công chức nhà nước, cả gia đình sống cùng nỗi đợi chờ những tấm tem phiếu về mỗi tháng. Cái thời mọi thứ đều thiếu thốn nên tiết kiệm trở thành đức tính cố hữu. Mẹ dè sẻn chia đều khẩu phần ăn trong tháng chỉ với hai cái tem gạo mười ba cân, để dẫu ít các con vẫn được ăn cơm trắng chứ không phải độn thêm ngô khoai. Để rồi mấy đứa trẻ vui nhảy chân sáo khi bố có được một suất tem thịt. Mà đâu phải là miếng thịt nạc ngon. Đó là miếng mỡ  bèo nhèo trắng phau dính một mảng bì còn lởm chởm lông. Chỉ có vậy mà bữa cơm gia đình hôm ấy rộn ràng hẳn lên, bởi món thức ăn tươi ấy đâu phải ngày nào cũng có.

Mẹ tẩn mẩn cạo sạch miếng thịt mỡ ấy rồi mang luộc. Bì được mẹ thái mỏng rồi trộn với riềng xay rang vàng khô thơm lừng, chút gạo rang lên giã mịn để chế thành món nem chạo. Còn khổ mỡ, mẹ thái thành từng miếng cỡ ngón tay rồi đem rán. Mẹ bảo phải luộc thịt trước như thế thì âu mỡ rán sẽ trong vắt, thơm ngậy, để cả tháng trong chạn vẫn dẻo quánh không bị ôi thiu. Mẹ cời bếp rơm thật khéo để không có chút tàn tro nào bay vào chảo mỡ. Chảo mỡ sôi xèo xèo. Miếng mỡ quắt dần. Mẹ dập bớt lửa cho mỡ tiết ra hết mà miếng tóp không bị cháy. Chảo mỡ sóng sánh một màu vàng như mật non. Mùi thơm ngậy của mỡ rán lan tỏa cả gian bếp quyện với mùi khói rơm ấm nồng khơi gợi sự ấm áp bình yên hơn bất cứ mùi vị nào khác.

Mẹ chắt mỡ nước vào cái âu sành có nắp đậy, khẽ khàng cất lên chạn, rồi trút những miếng tóp mỡ vào chiếc bát sâu lòng để ăn dần vài bữa. Cái chảo còn dính mỡ sẽ dành để xào rau hoặc trộn cơm chiều theo sự vòi vĩnh của cô con gái út. Bát tóp mỡ là phần mà đám trẻ con mong chờ nhất. Cảm giác nhai miếng tóp mỡ mới rán còn nóng giòn tan trong miệng là niềm sung sướng vô biên lan tỏa cả tuần sau đó. Thi thoảng mới có được phiếu thịt mỡ như thế, theo lời đề nghị "hoang một chút" của bố thì mẹ sẽ làm món tóp mỡ sốt cà chua để cả gia đình được cải thiện một bữa. Nhưng món được ưa chuộng nhất của lũ trẻ ấy là tóp mỡ trộn muối.

Những sớm mùa đông, mẹ nhón dúm muối hạt, dăm bảy miếng tóp mỡ, một thìa mỡ đã đông quánh, trộn đều trong chiếc bát con. Xoong cơm nguội để dành từ tối hôm trước được hâm lại cho nóng. Mấy đứa trẻ xúm xít quanh xoong cơm nóng hổi, xúc lưng bát cơm và một thìa mỡ muối, trộn đều lên. Mỡ nước tan ra, ngấm vào bát cơm nóng. Miếng tóp mỡ vàng ươm trên bát cơm trắng bỗng duyên dáng hấp dẫn đến lạ kì. Mỗi miếng cơm và vào miệng, chỉ dám cắn thêm một chút xíu tóp mỡ. Muối hạt nhai còn sồn sột mà sao đậm đà đưa cơm đến thế. Vèo cái hết bát cơm, cậu choai tinh nghịch lấy đũa gắp miếng tóp mỡ cuối cùng dứ dứ trước mặt cô em gái nhỏ rồi bất thần bỏ tọt vào miệng, không nhai rau ráu mà ngậm rất lâu, nhẩn nha tận hưởng vị béo ngậy của nó có khi đến tận lớp học mới nhai nuốt vội vàng.

Món cơm độn khoai thời bao cấp cũng là một trong những dư vị khó quên.

Món tóp mỡ trộn muối ấy được anh em gã gọi là món ăn thần thánh của tuổi thơ. Lúc đó có cảm giác ngon vì thiếu thốn khát thèm. Còn giờ đây, khi đã được nếm trải nhiều dư vị cả ngọt bùi lẫn cay đắng của cuộc sống tha hương, những miếng tóp mỡ đôi khi bỗng hóa dư thừa, thỉnh thoảng mới được nấu cùng món cá chép om dưa hay bún riêu cua như bữa nay. Vậy mà giữa sớm mùa đông này, cái mùi vị béo ngậy của mỡ rán lại khơi dậy trong tiềm thức gã tha hương cảm giác thú vị đến ngỡ ngàng. Đưa tay nhón một miếng tóp mỡ còn nóng giòn, đưa lên miệng cắn chầm chậm khẽ khàng, sao mãi không tìm lại cảm giác hạnh phúc trong vắt thuở xưa. Chỉ thấy nghèn nghẹn nỗi nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ về dư vị ấm áp tuổi thơ, thao thiết, rưng rưng.

Thanh Hải

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.

Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.

Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.

Tháng Mười về, mùa đông rồi cũng sẽ về, sự thay đổi tưởng như chỉ là quy luật ấy lại cho ta những khoảnh khắc xao lòng và lưu luyến với thu, khi mà đâu đó hương hoa sữa dịu dàng miên man trong gió, khi mà ngoài kia những con phố nhỏ thoáng bóng dáng ai đang nâng niu hít hà hương cốm hoặc trầm tư bên ly cà phê trong sương mai.