Ngã tư đường

Bạn có thường ngồi nhâm nhi một ly cà phê nơi góc phố để nhìn ngắm ngã tư đường khi bình minh đến, hoặc thưởng thức những món ăn bình dân nơi ấy lúc trời về khuya, ngắm nhìn những sắc màu cuộc sống và lắng nghe những thanh âm của phố phường?

Chẳng biết tự bao giờ, những ngã tư đường nơi phố thị đã xâm chiếm tâm hồn tôi với bao cung bậc cảm xúc rồi gợi nên một mối quan tâm đến lạ kì.  Mối quan tâm ấy có lẽ bắt đầu từ mấy mươi năm về trước, khi tôi rời làng quê yêu dấu để bước chân ra chốn thị thành với quãng đời sinh viên đầy khát khao và mơ mộng.

Ngày ấy, tôi theo mẹ ra phố - nơi mà trước đó chỉ hiện lên trong tôi những hình dung về sự náo nhiệt và phồn hoa. Tôi không thể nào quên trải nghiệm lần đầu tiên trong đời gởi hồn mình vào phố. Tôi lẽo đẽo theo sau dáng mẹ liêu xiêu lọt thỏm trong bóng chiều nhập nhoạng, bước xuống xe buýt là ngã tư đường, người đông như mắc cửi. Những chú xe ôm trờ tới với lời mời vồn vã, cứ rong xe theo bước bộ hành đầy lo lắng của hai mẹ con, thậm chí làm tôi hốt hoảng. Nào phố xá mông lung, nào trời chiều không đáy. Tôi chầm chậm mở lòng với phố bằng bao sự ngờ vực.

Nhưng rồi một thời gian sau, khi đã quen với cuộc sống nhộn nhịp của thành đô, tôi nhận ra những mảng màu của bức tranh sinh động với sự pha trộn của nhiều nét chấm phá muôn hình muôn vẻ. Và đặc biệt, đôi khi tôi chợt nhận ra điều ấy nơi ngã tư đường.

Ảnh: NLD

Ngã tư đường mới đông đúc, bao nhiêu người chen chúc với khuôn mặt đầy nôn nao. Những ngày nắng chói chang, hơi nóng từ mặt đường nhựa phả lên hầm hập. Những ngày mưa dầm lê thê, nước bắn tung tóe và chảy ràn rạt dưới chân người. Bất luận thời gian, ấy là nơi con người cứ chăm chăm nhìn con số đồng hồ đếm ngược đều đặn từng giây từ tốn. Mặc kệ, nó chẳng hề quan tâm, vẫn nhịp nhàng điều chỉnh tất cả vào một trật tự theo vòng quay tuần hoàn của sắc màu xanh, vàng, đỏ. Thỉnh thoảng, có khi nó chưa về đến đích, con người ta đã lao về phía trước theo cách mà họ muốn, như thể mọi thứ là quá muộn chỉ sau vài giây đồng hồ nữa. Đôi khi, bất chợt gặp một hình bóng thân quen, con người ta cũng chỉ kịp nhìn nhau, rồi chào nhau trong sự hối hả, chẳng có thời gian để lục lọi trong kí ức những kỉ niệm của một thời quá vãng, chẳng kịp hồi tưởng về một hình bóng thân thương của ngày xưa cũ. Biết đến bao giờ, người ta mới thôi vội vã?

Ngã tư đường mới hào nhoáng làm sao. Những cửa hàng sáng trưng tráng lệ, những bảng hiệu rực rỡ cám dỗ đầy ma mị, quyến rũ biết bao ánh nhìn và khơi gợi những đam mê. Chúng là hiện thân của sự giàu sang, mang tất cả những đặc trưng cho sự sành điệu. Chúng phô trương vẻ xa hoa đầy kiêu hãnh. Tiếng cười nói xôn xao, tiếng nhạc xập xình, này đây những lung linh, này kia bao lộng lẫy. Phố phơi mình, rạo rực, mê say.

Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Nhưng ngã tư đường đâu chỉ có sự lung linh. Bởi đâu đó, tôi vẫn thấy sự thấp thoáng của những hàng quán nhỏ xíu như thân phận nhỏ nhoi của đời người cứ vá víu một cách tạm bợ. Mặc cho thời gian trôi, mặc cho muôn vàn thay đổi, có những thứ nơi ngã tư đường vẫn hằn lên bao nỗi nhọc nhằn chưa bao giờ bị lãng quên. Thời nào rồi mà vẫn còn những bác xe ôm ngồi dõi mắt xung quanh để chờ vận may tới khi tình cờ bắt được một người khách vãng lai, kiểu như mẹ tôi. Rất nhiều lần, bà gác lại những bộn bề công việc không tên chốn quê nhà, lặn lội ra phố chỉ để mang cho tôi những thức quà cây nhà lá vườn bà thu nhặt sau bao chăm chút. Mỗi lần như thế, tôi lại ra ngã tư đón bà.

Tôi không hiểu có phải là sự mặc định hay không, nhưng tôi đồ rằng, cứ mỗi khi sợ lạc đường, những người ở quê ra phố lại chọn ngã tư đường để định hình một vị trí dễ dàng nhận dạng cho sự đón đưa. Tôi sợ nhất là những khi bận việc, không thể đón bà. Đã có lần, khi đã quen đường, từ ngã tư, bà cuốc bộ thẳng về nhà tôi, giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt khắc khổ nhưng hiền từ như một bà tiên. Họa hoằn lắm bà mới chịu đi xe ôm bởi một lí do rất đơn giản của người phụ nữ tảo tần, tiết kiệm từng đồng cho con ăn học. Bà cười âu yếm, tôi xót xa, quặn thắt. Bà bảo đường có xa đâu, tôi thấy đường dài sâu hun hút.

Ngã tư đường mới ảm đạm làm sao. Nó bao dung, níu hết vào lòng những đời người tội nghiệp. Người đàn ông bơm vá xe ngủ gật bên tiếng nhạc từ chiếc ra- đi- ô cũ kĩ; đôi vợ chồng với chiếc xe hủ tiếu cùng những bàn ghế lúp xúp trên vỉa hè; mấy đứa nhỏ nhem nhuốc ngồi ngơ ngác bên vệ đường chờ mẹ bán những chiếc bóng bay mà chẳng khi nào chúng được chơi; bà cụ già bán dăm ba quả vịt lộn dưới ngọn đèn dầu mờ ảo. Còn bao nhiêu mảnh đời lay lắt… Phố chạnh lòng, nghiêng ngả, hắt hiu.

Thỉnh thoảng, tôi hay ngồi nhâm nhi ly cà phê cóc quanh một số ngã tư đường khi bình minh đến, hoặc thưởng thức những món ăn bình dân nơi ấy lúc trời về khuya, ngắm nhìn những sắc màu cuộc sống và lắng nghe những thanh âm của phố phường. Và mỗi khi đi qua ngã tư đường, dù bận bịu thế nào, tôi cũng luôn quét ánh nhìn một cách bao quát, bởi tôi luôn hồ mơ, biết đâu đó cái dáng liêu xiêu bé nhỏ của mẹ lại hồ hởi đón chờ tôi trong tiếng cười vui nơi ấy. Tôi vẫn thường bâng khuâng tự hỏi: "phải chăng cuộc đời con người, ai rồi cũng có những ngã tư của riêng mình, như lòng phố thênh thang?"

An Nhân

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.

Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.

Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.

Tháng Mười về, mùa đông rồi cũng sẽ về, sự thay đổi tưởng như chỉ là quy luật ấy lại cho ta những khoảnh khắc xao lòng và lưu luyến với thu, khi mà đâu đó hương hoa sữa dịu dàng miên man trong gió, khi mà ngoài kia những con phố nhỏ thoáng bóng dáng ai đang nâng niu hít hà hương cốm hoặc trầm tư bên ly cà phê trong sương mai.