Vô định bước chân khi qua chốn cũ

Có một người trở lại Hà Nội vào một chiều mùa hạ. Người ngồi ngắm phố mà lòng lại nhớ về những năm tháng cũ.

Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì. Có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.

Trở lại nơi chốn cũ thân thuộc luôn mang lại một hoài niệm và cảm xúc nao nao. Góc phố ta ngồi mỗi chiều trà đá luôn rôm rả tiếng nói cười của mấy thằng bạn thân. Giờ vẫn góc phố đó nhưng vào buổi chiều trong tuần sao vắng lặng, chỉ lao xao tiếng xe cộ qua lại trên đường. Nắng hanh hao vẫn trải vàng những con đường, những góc phố. Gió thổi nhẹ làm rung rinh cành lá phía trên cao. Nắng hắt trên mặt lá làm thành khoảng xanh mát và khoảng nắng sáng đan xen. Người ngồi đây ngắm phố mà lòng lại nhớ về những năm tháng cũ.

Vô định bước chân khi qua chốn cũ
Ảnh minh hoạ: Tạp chí người Hà Nội.

Ngày đó tôi là sinh viên năm cuối trường Bách khoa Hà Nội. Những năm tháng cuối cùng của đời sinh viên như một bước ngoặt, từ chàng trai ngờ nghệch tỉnh lẻ bước chân vào cánh cửa trường đại học nơi Thủ đô tấp nập phồn hoa, tới lúc dần phải biết lo biết nghĩ về tương lai để mà tự đứng trên đôi chân của chính mình.

Năm tháng đó không có một lời hứa hẹn, chưa thể tìm ngay được một công việc khi mới ra trường. Tôi thấy tương lai chông chênh, như con thuyền tháo dây neo đậu nơi bến bờ, tròng trành trôi vào vùng sóng nước mà chưa dò được nông sâu. Con thuyền cuộc đời trôi theo dòng nước. Tôi chỉ kịp trang bị cho mình một kiến thức chuyên môn thật vững, một vốn ngoại ngữ tốt nhất có thể và một niềm tin ý chí. Rằng phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình, không dựa dẫm vào ai, mà cũng không có ai để mà dựa.

Năm tháng ấy, tôi may mắn có những người bạn thân luôn bên cạnh. Thường dịp cuối tuần, bạn bè tụ tập quán cóc nơi góc phố chuyện trò. Chuyện tình yêu, chuyện trường học, những dự định ấp ủ, ai ở lại, ai trở về quê. Chúng tôi thân nhau tới mức mà một bạn còn đề nghị rằng: Ra trường lập một công ty chung rồi mỗi ông một chuyên môn làm một mảng. Ông làm kỹ thuật, ông làm quản lý, ông làm kinh doanh, ông làm họa sĩ. Một đề nghị thật đẹp, nhưng cũng thật viển vông. May mà dự định đó không thành hiện thực, chứ khó khăn rồi những va vấp đầu đời do thiếu kinh nghiệm và vốn sống rất dễ khiến công ty đổ vỡ, khiến tình bạn trong sáng vô tư vì thế mà sứt mẻ.

Tôi thường một mình dạo bước trên phố khi trở về những nơi chốn thân quen. Tự mình cảm nhận được sự đổi thay, rồi phảng phất quanh mình những hoài niệm về quá khứ. Khi ấy, bước chân tôi nhẹ tênh, bước đi vô định, mà miên man cảm xúc.

Chiều hồ Tây lộng gió, sóng nước xô bờ lăn tăn gợn làm dập dềnh chiếc thuyền câu. Quán vắng bên hồ đìu hiu một vài khách mắt đang nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại. Bước qua công viên chiều vắng, quán cóc trên bậc thềm một vài khách ôm ly trà đá nhởn nhơ cắn hạt hướng dương. Chẳng để làm gì mà chân vẫn cứ muốn bước tiếp. Tới khi chiều buông, bất chợt thẫn thờ, tôi giật mình trở về với thực tại.

Cầm chiếc điện thoại lên định bấm gọi một vài người bạn quen. Lại thôi. Tặc lưỡi nghĩ rằng, có lẽ bạn đang bận. Thực ra lúc này đây tôi muốn trải nghiệm một mình cảm giác trống vắng nơi chốn quen, muốn có riêng mình một khoảng lặng để mà nhấm nhá miền ký ức miên man khắc khoải.

Vô định bước chân khi qua chốn cũ
Ảnh minh hoạ: Báo Tuổi trẻ.

Những người bạn thân của tôi năm xưa ấy, không còn một ai ở Hà Nội nữa. Người trở về quê cũ theo nghiệp của bố, người nơi trời Âu tìm kiếm ước mơ, người vào TP. HCM tìm nơi lập thân lập nghiệp. Tôi từ chốn công trường vùng Đông Bắc trở về Thủ đô, đông đúc đấy, quen thuộc đấy, nhưng bạn thân không còn một ai. Đi qua quán quen mà thảng thốt với dòng thời gian tạt qua như cơn bão cát sa mạc cuốn trôi những tiếng nói cười, cuốn trôi những dự định ngày còn đứng ở ngưỡng cửa vào đời.

Đi qua tháng năm tuổi trẻ, dù chưa nói là đã già, nhưng đủ nhận thấy mình chín chắn hơn. Thấy sôi nổi ngày còn trẻ bớt dần đi mà thay vào đó là những khoảng trầm tư nghĩ suy. Vẫn mải miết kiếm tìm một công việc phù hợp hơn. Chuyến xe đêm một lần nữa đưa tôi rời xa Thủ đô. Ngày mai vẫn sẽ là một ngày mới nơi công trường nắng gió.

Ngọc Sơn

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.