Trở về những quê hương tâm tưởng
"Người tìm vào làng mạc
Thấy quen như đã ở khi nào"
Với những ai lớn lên trong ồn ào tiếng còi xe và những ánh đèn cao áp lấp loáng đại lộ, thì cũng có những lần gốc gác làng xóm, hơi thở đồng ruộng qua đời cha ông, qua tuổi mẹ, tuổi bà, từ những dòng sông thuở cụ kỵ vẫn chảy miệt mài đến hôm nay, sẽ lên tiếng gọi một đôi lần tìm về. Bản quán của phụ huynh hay các bậc tiền nhân có thể là một ngôi làng thuần nông hẻo lánh và nghèo xơ xác, nằm ở xa tít tắp, hay một xã ăn buôn làm bán trù mật và sung túc. Cũng có thể là một mái đao, một cổng làng tróc lở hay tiếng chuông chiều tan trong thinh không ở đâu đó ngoại ô hay những con đường thôn dã xa xôi ta đi qua. Dù chưa từng đến, dù mới nghe tên lần đầu, nhưng dường như đâu đây trong rặng tre vườn nhãn và dải đê cao cao, đã phảng phất một đôi chút thân thuộc, như đã hẹn hò nơi này từ năm xưa, từ kiếp trước.
Nơi tự dưng lạ, tự dưng quen, tự nhiên nhớ, tự nhiên quên ấy vẫn là mỡ màu vạm vỡ cho bạt ngàn ý tưởng sinh sôi và tạo dựng. Ở đó luôn vận động đa chiều những đời sống tầng tầng lớp lớp của những thế hệ người, dài lâu và lặng lẽ, từ lẫm chẫm đến già nua, cuối cùng tưởng chỉ thoảng qua như cơn gió, nhưng đã mang vô vàn nếp của đất lề quê thói, của phong tục, truyền thống dòng tộc. Mang cả những bản tính cố hữu và phổ biến qua những nẻo làng quê, trong mối dây cố kết từng cộng đồng của họ mạc, của xóm thôn, làng xã.
Ở đó dấu tích âm thanh của tiếng trống phách, tiếng sinh tiền, tiếng lí lơi lúng liếng những câu hát rủ nhau theo gánh chèo về sân đình, rủ nhau đi hát đúm. Hay có thể vẫn đang tràn trề sinh lực những cuộc diễn xướng hoà quyện các thời đoạn, giao thoa những bài dân ca, những điệu chèo, câu xẩm. Đây đó trong cuộc biến chuyển làng mạc, vẫn có người thổn thức hoài niệm ... Ở đó mờ ảo hương khói u trầm bao phủ những huyền thoại, bí tích, những kiêng kỵ và kính phục khi đối diện các đấng thiêng nơi đình đền miếu phủ, nơi đống xưa, mả cũ vời vợi dã sử. Lúc ấy, người dâng hương hay trầm tư mặc tưởng vừa đối diện vừa hoà hợp với niềm tin tâm linh trong mình.
Ở đó, nơi hội hè lễ lạt khấn vái, cửa võng vàng son và cờ ngũ sắc tung bay theo những nẻo kiệu đi nhanh xô dạt từng đám người. Kiệu xoay và người cũng xoay tròn, làng quê chênh chao trong một không gian thiêng, một siêu thế giới, như rơm khô sắp bùng lên từ những que diêm nhỏ. Đó là ngày hôm qua nhưng cũng là hôm nay, là lúc này và cả ngày mai có thể chưa hiểu hết. Nghĩ đến những phương trời ấy, nơi âm thanh, hình bóng, đường nét như tiếng sáo diều không đứt u u gọi tên người ở lại và người phiêu du, người chưa quen và đã gần gũi, lòng ta dâng lên niềm thành kính.
Thỉnh thoảng rong xe một mình ra khỏi thị xã Hà Đông, sau là thành phố nhỏ, giờ trở thành quận, theo dọc sông đi qua những mái làng như một cuộc tìm lại gương mặt mình. Đa Sỹ rèn sắt, làm dao kéo, trang trí đầu rồng, nối Mậu Lương, Kiến Hưng cách một cánh đồng sang Hữu Thanh Oai, Phú Diễn, Cự Đà, Khúc Thuỷ… những làng cũ trầm mặc từng trăm năm phơi bánh đa, làm miến, ngả tương. Những đình chùa, sinh phần, đền cũ, miếu hoang nối nhau liên tiếp đầy bí ẩn và thân thiết. Vòng trên đường xuyên những ruộng đồng bàng bạc sương khói, nhà thờ Thạch Bích trầm ngâm và thanh cao in lên vòm mây.
Trong vòng quay hối hả mưu sinh, trong cuộc quy hoạch những khu đô thị mới, trên đà mọc lên những văn phòng tư vấn mua bán đất, trong ngã giá và ô nhiễm bụi khói, ô nhiễm đời sống, đâu đấy vẫn văng vẳng âm điệu xa xôi trong những đường gạch xếp nghiêng. Và đâu đó, qua những bãi bờ cổ tích lãng đãng nhớ nhung, những vườn tược lô nhô nâng núi đồi nổi xanh trên đường dài hướng lên Ba Vì mây trắng, thấy trời quê vẫn như trời quê nghìn năm cũ. Lại tưởng các nho sĩ cách làng vẫn đi thăm thú bằng hữu, thù tạc và ngâm vịnh, tưởng giữa trưa, quan binh lòng đất vẫn theo nhau đi tuần. Và bên cạnh mình trên mỗi đường làng ngập trong những rặng cây, vừa tưởng, vừa như cảm thấy rất thật thà, hình như vẫn có bao nhiêu người xưa đang âm thầm qua lại./.
Nguyễn Quang Hưng
Có một người theo gia đình về sống ở Hà Nội khi vừa bước vào quảng đời niên thiếu nhiều mộng mơ. Chắc cũng vì đang ở độ tuổi ngây thơ, luôn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt sáng trong nên cảm nhận về Hà Nội thân thương trong cô đẹp và dịu dàng vô cùng. Nhiều năm xa Thủ đô, chuyển vào miền Nam sinh sống, nhưng lòng cô vẫn không thôi hoài mong nhớ về...
Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…
Cơn gió bấc đầu mùa thổi về khiến cho đêm như sâu thêm, dài thêm. Sáng ra, có người cứ trở mình qua lại, cuộn trong chăn ấm như con tằm nằm trong bọc kén chẳng muốn chui ra ngoài. Chợt nhận ra trời đang chuyển mùa và rồi lòng lại miên man với những vẻ đẹp ngày đông!
Không có tài liệu nào ghi lại nhưng chắc hẳn nghề thu tiền điện ra đời cách đây 130 năm, cùng lúc với sự kiện nhà máy đèn Bờ Hồ khánh thành phát điện. Những tờ biên lai tiền tiện được lưu giữ qua thời kỳ với nhiều bảng giá khác nhau, cùng ký ức của các bà nội trợ cho thấy sự xuất hiện định kỳ của nhân vật ít được mong đợi - là những nhân viên thu tiền điện.
Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.
Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.
0