Nơi quanh năm mùi Tết

Mỗi năm chỉ có một Tết âm lịch. Thế nhưng, đến Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội vào bất kể ngày nào trong năm, bạn cũng cảm nhận được không khí Tết rộn ràng.

Chiều nay, mời bạn cùng Hường và Xuân Chinh về thăm làng Phú Thượng, vùng đất quanh năm nấu xôi, nơi hương vị xôi truyền thống được lưu giữ và lan tỏa, xứng danh “đất xôi kinh kỳ”…

Xôi Phú Thượng nức tiếng đất kinh kỳ. Ảnh: Dantri

Phú Thượng nằm ven sông Hồng, lúa nếp trồng ở đất phù sa màu mỡ cho hạt to tròn, bóng mẩy đều tăm tắp, trăm nghìn hạt như một. Nghề nấu xôi cũng vì thế mà ra đời, nhưng không ai rõ người làng nấu nhiều xôi từ khi nào. Người già kể lại, hơn nửa thế kỷ trước, một vài hộ dân gồng gánh xôi đi bộ từ Phú Thượng vào khắp ngõ ngách phố cổ bán cho người thập phương. Xôi ngon, giá bình dân nên dần dà nức tiếng khắp đất kinh kỳ. Giờ khắp ba thôn của Phú Thượng (làng Gạ, làng Bạc, làng Xù), nhà ai cũng nấu xôi như nghề chính của gia đình.

“Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát có nghề nấu xôi”

Cô Nguyễn Thị Thảo, sinh ra ở làng Gạ. Năm 16 tuổi, cô đã thành thục nấu xôi làm cỗ, phụ bố mẹ bán trong ngoài xã. Hơn 30 năm gắn bó với gạo nếp hạt xôi, cô chỉ cần nếm một miếng xôi là biết xôi đó có phải nấu ở Phú Thượng hay không. Xôi Phú Thượng có hương vị đặc trưng bởi hành trình hạt gạo thành xôi rất tỉ mỉ, kỳ công.

Cô Thảo và người dân ở Phú Thượng, mỗi ngày làm 8 - 10 món xôi khác nhau. Sự đa dạng là nét hấp dẫn đặc biệt ở các làng xôi này. Chính người làm xôi ăn xôi quanh năm cũng không chán bởi họ làm ra rất nhiều loại xôi. Ngày thường có xôi xéo, xôi vừng dừa, xôi lạc, xôi đỗ xanh, xôi trắng, xôi đỗ đen, xôi ngô. Ngày lễ lạt cưới xin thường xôi vò, xôi gấc vò hạt sen - đây cũng là hai loại xôi nấu cầu kỳ nhất. Còn ngày Tết thì mâm cơm cúng, mâm cỗ nhà nào nhà nấy nhất định phải có xôi gấc và xôi ngũ sắc.

Những đĩa xôi được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt của người dân làng Phú Thượng. Ảnh: Laodong

Giáp Tết là ngày hội của cả ba làng Phú Thượng. Lượng khách đặt xôi tăng lên gấp ba, mỗi nhà đồ cả hơn tạ gạo một ngày mới đủ bán. Nhà nhà đãi gạo thổi xôi tới tận Giao thừa để giao hàng đi khắp nơi. Chõ xôi đồ cuối cùng của năm, cũng là chõ xôi đơm dâng lên ban thờ cúng tất niên và đón năm mới của mỗi nhà làm xôi.

Nấu xôi là nghề cha truyền con nối ở Phú Thượng xưa nay. Không hiếm gia đình có ba - bốn đời cùng nấu xôi. Chiều chiều, nếu ghé Phú Thượng, bạn sẽ bắt gặp cảnh người già, người trẻ ngồi rửa lá sen, lá dong, vo gạo, đảo xôi… Mỗi người mỗi công đoạn, nồi xôi chín không phải công của riêng ai. Nghề nấu xôi đã thắt chặt tình cảm mỗi gia đình.

Người dân Phú Thượng tất bật mỗi dịp cận Tết. Ảnh: Nguoilaodong

Ba ngày Tết là ba ngày hiếm hoi mà người dân Phú Thượng không vất vả nấu xôi bán khắp mọi miền. Nhưng mùi xôi vẫn thơm lừng khắp nhà, khắp ngõ. Thay vì dậy sớm đong xôi đi bán, ngày Tết, mỗi nhà dậy sớm đồ chút xôi mới dâng lên ban thờ tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, may mắn, để Phú Thượng mãi giữ được nghề nấu xôi truyền thống cho cả năm luôn có mùi xôi - Mùi Tết./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố hình như không ngủ. Tiếng ồn ào từ phía chợ bắt đầu lúc hai, ba giờ sáng. Tôi nằm im trong phòng trọ lắng nghe tiếng gà gáy, những con gà chắc cũng mang từ quê lên chưa quen được với môi trường đêm lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn.

Bỗng một sớm mai thức giấc, hương dẻ ngọt ngào đã chờ sẵn trên khung cửa sổ màu xám tro cùng chú mèo mun khoanh tròn say sưa bên chồng sách đêm qua tôi đọc còn dang dở. Hương hoa chực chờ cánh cửa vừa hé là vội vàng len vào xâm chiếm cả căn phòng. Căn phòng tôi ngập tràn hương hoa dẻ, ngập tràn tháng tư mang chớm hạ khẽ khàng...

Làm việc thời gian tự do mang cho tôi nhiều trải nghiệm, từ việc sắp xếp thời gian cho công việc, cho gia đình và bản thân. Phải thật khéo léo nếu không rất dễ bị chìm đắm trong những bộn bề mà không có thời gian riêng cho chính mình.

Chiều mưa, hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...".

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…