Gìn giữ làn điệu trống quân

Hát trống quân là sinh hoạt văn hóa dân gian, bằng hình thức hát giao duyên của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du. Điệu hát đặc sắc này hiện vẫn đang được nhân dân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín gìn giữ, phát triển từ vài trăm năm nay.

Hát trống quân là phong tục sinh hoạt văn hóa dân gian bằng hình thức hát giao duyên của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du. Riêng với nhân dân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, họ vẫn truyền tai nhau rằng điệu hát trống quân đặc sắc của vùng có từ vài trăm năm trước. 

Ngày trước, khi trăng đầu tháng nhô khỏi lũy tre làng, người dân sống dọc hai bờ sông Tô Lịch và sông Nhuệ, chủ yếu là thanh niên trong làng lại rủ nhau ra đôi bờ sông hát đối đáp. Họ có thể hát qua đôi bờ hay nam dưới thuyền, nữ trên bờ, hoặc cũng có thể hát trên sân đình vào những ngày hội làng.

Xã Khánh Hà từ lâu đã được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với những làn điệu trống quân da diết. Lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn nhiều vùng miền khác ở chỗ, kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Đó là chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, chặng hát hẹn giã biệt.

Đến giờ, những người Khánh Hà vẫn truyền tai nhau rằng điệu hát đặc sắc của vùng có từ thời vua Lê Lợi. Với họ, hát trống quân đã trở thành một nét văn hoá đẹp, là chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm.

Xã Khánh Hà được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với những làn điệu trống quân da diết

Hát trống quân không có phổ nhạc, nhạc điệu của hát trống quân có điểm đặc biệt ở chỗ, có thể lên bổng xuống trầm tùy hứng và đầy sáng tạo. Câu hát, điệu đối thơ hay những dụng cụ gọi là thanh nhạc của hát trống quân cũng rất đỗi dân dã. Người hát có thể gõ vào trống được chế tác đơn giản từ thùng gỗ hay gõ vào mạn thuyền hay bất kỳ vật dụng gì. 

Hai nhóm hát đối đáp nhau gồm bên nam và bên nữ. Mỗi nhóm hát có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu, đầu quấn khăn lưỡi rìu. Nữ mặc yếm trắng, yếm đào bên trong, áo cánh nâu bên ngoài, thắt lưng hoa đào, hoa lý, váy nâu, đầu quấn khăn nhung đen hoặc đội mấn. Bên này đưa ra những câu hát về chủ đề nào đó như thiên nhiên, cây cỏ, tình cảm lứa đôi… thì bên kia đối đáp lại.

Cứ hát qua hát lại đến khi có bên không đối lại được bên kia thì sẽ thua. Vậy nên cũng có cuộc hát đến nửa đêm mà vẫn không phân định được thắng thua, người hát đành chia tay về để hôm sau hát tiếp.

Đặc sắc và độc đáo là vậy, nhưng từng có thời điểm hát trống quân ở Khánh Hà bị gián đoạn, tưởng như rơi vào quên lãng. Chứng kiến những câu hát đã chinh phục bao lớp người dần rơi vào quên lãng, những người tâm huyết với điệu hát này đã quyết tâm thành lập CLB hát trống quân Khánh Hà. Sau nhiều vất vả, năm 2007, CLB hát trống quân Khánh Hà được thành lập.

Đã từ lâu, ngôi nhà của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Điệp – Phó Chủ nhiệm CLB hát trống quân Khánh Hà, huyện Thường Tín trở thành điểm đến của nhiều người yêu thích làn điệu hát trống quân. 

Năm 2007, CLB hát trống quân Khánh Hà được thành lập

Hát trống quân có rất nhiều làn điệu như cò lả, hát giao duyên, hát đối, hát họa hoa, hát họa trời, hát họa đất, hát gọi, hát sa mạc... Hàng trăm bài trống quân được sưu tầm và sáng tác với các nội dung khác nhau về mọi mặt của đời sống, tất cả đã tạo nên một kho tàng quý giá. Ý thức được cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc này nên ngay từ khi mới thành lập, ban chủ nhiệm CLB hát trống quân Khánh Hà đã gặp gỡ, tiếp xúc với những người am hiểu và biết diễn xướng hát trống quân để tìm hiểu nét đặc trưng của làn điệu và bắt đầu công tác sưu tầm lời bài hát. Đến nay, CLB đã xây dựng được bản thảo sơ lược về nguồn gốc hát trống quân và trên 200 lời hát cổ với các làn điệu khác nhau đã được biên tập, đóng thành quyển để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Yêu say đắm làn điệu trống quân của quê hương, những thành viên trong CLB hát trống quân Khánh Hà luôn tâm niệm phải đưa bộ môn diễn xướng dân gian này đến với nhiều người hơn. Do vậy, hàng năm CLB đều tổ chức các lớp truyền dạy cho người dân trong vùng. Sau 17 năm thành lập và hoạt động, CLB hát trống quân Khánh Hà đã mở được 17 lớp truyền dạy với trên 300 lượt học viên tham dự.

Không chỉ dạy hát cho người lớn, các lớp học dành cho trẻ em cũng được CLB mở thường xuyên để duy trì tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đặc biệt, CLB cũng đã có sự phối hợp với các nhà trường trên địa bàn, đưa hát trống quân vào giảng dạy trong trường học. Do đó, nhiều trẻ em từ 10 tuổi trở lên ở xã Khánh Hà có thể theo học hát và biết hát trống quân thành thạo.

Các lớp học dành cho trẻ em cũng được CLB mở thường xuyên

CLB hát trống quân Khánh Hà đã có 50 thành viên tham gia thường xuyên, trong đó có 3 nghệ nhân ưu tú còn sống sau 17 năm thành lập. 17 năm ấy là 17 năm sưu tầm lời bài hát, là nhiều khóa truyền dạy cho người dân trong làng trong xã, 17 năm biểu diễn cho bà con trong xã mỗi dịp hội hè đình đám và tham gia các cuộc thi, hội thi cấp huyện, tham gia Festival Hà Nội. 

17 năm là một quá trình không dài nhưng cũng chẳng ngắn, đủ để khẳng định tình yêu, sự nhiệt huyết nồng đượm dành cho bộ môn nghệ thuật dân gian của những thành viên trong CLB hát trống quân Khánh Hà. Với tình yêu ấy, hát trống quân Khánh Hà chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian, là nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề dát vàng quỳ luôn được người dân xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội gìn giữ và phát triển. Với bề dày truyền thống trên 400 năm, nghề dát vàng quỳ nơi đây đã nức tiếng gần xa.

Ở Hà Nội có nhiều nghề truyền thống đã trở thành niềm tự hào của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long. Trong đó có nghề đúc đồng Ngũ Xã. Trải qua thời gian cùng những biến cố của lịch sử,nghề đúc đồng nức tiếng của kinh thành Thăng Long dần mai một. Tuy nhiên đến nay, vẫn có những gia đình còn gìn giữ duy trì và phát triển nghề đúc đồng Ngũ Xã. Một trong số đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.

Một nghệ nhân trẻ kiên trì theo đuổi dòng tranh đỏ Kim Hoàng, dòng tranh dân gian đã từng bị thất truyền hơn bảy thập kỷ.

Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi được yêu thích, nhất là mỗi dịp Trung thu về. Thế nhưng, món đồ chơi này dần dần ít người tìm mua và cũng chính vì thế mà người làm ra nó cũng dần thưa vắng. Đến nay chỉ còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan là những nghệ nhân cuối cùng ở phố cổ Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.

Hát chèo ở Đại Thành cùng với hát dô Liệp Tuyết, múa rối Sài Sơn, hát tuồng Dương Cốc là bốn loại hình nghệ thuật đặc sắc, vang danh vùng Phủ Quốc xưa, nơi là huyện Quốc Oai ngày nay. Hát chèo đã từ lâu bén rễ sâu vào đời sống những người dân Đại Thành, Quốc Oai.

Là nữ doanh nhân đầu tiên ở làng Lưu Thượng đưa sản phẩm đan lát xuất khẩu, nghệ nhân Nguyễn Thị Lương đã tạo ra những mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.