Về lại phố Hàng...

Bây giờ bố tôi tám mươi, đời sống dễ chịu hơn trước nhiều, nhưng thỉnh thoảng lại không được vui, lại nghĩ cái điều "giá như" cho những năm cuối đời ông bà ở Hàng Mành.

"Và rực rỡ rêu phong Hà Nội

Hoa bỗng bừng lên mở khóa những đường về

Chuông nhà thờ văng vẳng cơn mê

Bố gầy yếu đứng nhìn phố cũ"

Bố tôi không biết được gốc gác, chỉ nhớ cụ nội từ đâu đó Hưng Yên lên sinh sống ở phố cổ. Ông nội lớn lên ở đấy, ông bà nội sinh các bác, bố tôi và các chú cô. Nghề thêu của nhà nối từ cụ qua ông, đến lúc bố tôi trưởng thành, khi Hà Nội được giải phóng năm 1954 một thời gian thì dừng lại và ở lại mãi cùng xưa cũ.

Tuổi thơ tôi đi qua làng quê, nhìn những chị những em cắm cúi bên khung vải, thoăn thoắt kim chỉ làm nở hoa cúc vàng, làm tung sóng biếc và rồng phượng ẩn hiện trong mây tía, tưởng đã quen từ xa vắng mơ hồ.

Đời cụ nội chủ yếu làm thuê. Đến đời ông đã dư dả vốn liếng mở cửa hiệu, đặt tên Tiến Bảo. Năm 1933, khi bố tôi được sinh ra thì đã có cửa hàng. Chắc hồi đó gia đình dư dả nhất nên tên đệm của bố tôi là Tiến, còn các anh chị em của bố thì đều đệm là Văn hoặc Thị, với tên một cô em liền sau bố tôi là Bảo, nhưng đã sớm qua đời từ bé.

Ngày xưa, phố cổ, nghề cũ như thế nào, giờ lần lại trong trí nhớ tám chục năm tóc bạc của bố thật là khó. Cả các bác đã ngoài 90, 80 và các cô đã ở vào hàng thất thập, nghĩ lại cũng chỉ chung chung, áng áng. Đã quá nhiều lo toan, quá nhiều thay đổi trong những tháng năm sau này, khi lớp bình dân Hà Nội cũ phải gồng gánh cho những thế hệ mới theo nhau lớn lên, trong một thời kỳ dài những vẻ đẹp cũ ít được nâng giữ và nhen nhóm.

Phố Hà Nội xưa. Ảnh sưu tầm

Hiệu thêu Tiến Bảo ở 36 phố Hàng Nón, dạo đó làm ăn rất thịnh, thuê cả toà nhà, vừa ở vừa làm hàng, bán hàng. Nhà kiểu cũ, ba cửa nhìn ra mặt đường, có mái và ban công liền thẳng với tường, như cái lan can. Ông định mua lại nhưng nhà chủ cũng nhiều tiền, không muốn bán, họ thấy ăn nên làm ra và quý mến nên cho thuê như là để giữ hộ.

Nhiều người khác trong và ngoài họ cũng quý trọng ông. Dạo hồi cư, cả nhà trở lại Hà Nội đang tạm chiếm, từ khi bộ đội về tiếp quản Hà Nội, nếu không phải là ở nhà riêng tại Hoàng Mai, Quan Thánh, Tiên Sinh (tức là phố Nhà Hoả bây giờ), thì cả gia đình gồm ông bà với một lô con cái, vẫn được ở nhờ nhà cao cửa rộng đàng hoàng. Lúc mới về, khi hàng họ buôn bán còn khan hiếm, gia đình còn được giúp củi, gạo, mắm muối.

Cả chặng thời gian ấy, chuyển từ phố Hàng Đàn (gần đầu Hàng Hòm bây giờ) sang đến Huyền Trân công chúa (nay là phố Bùi Thị Xuân), rồi về Hàng Trống, sau chốt lại Hàng Mành. Tên hiệu Tiến Bảo theo đến tận sau 1954, khi đã về định cư ở đây, đến lúc bố không mở cửa hàng nữa, đi lao động tập thể làm công viên Bảy Mẫu, hoạt động trong thành đoàn, rồi đi vào công nhân, đi học nghề và dần xa phố cổ.

Về sau bố tôi ở cũng chẳng xa xôi lắm nơi sinh ra, trong Hà Đông, có 11 cây tính từ cầu Trắng sông Nhuệ đến bưu điện Hồ Gươm. Nhưng có lẽ, đã là cách trở mãi mãi. Tôi không biết nếu bố còn giữ nghề, còn mở hàng thì chuyện sau sẽ thế nào.

Đời sống có lẽ không nên dành nghĩ nhiều về những giả định. Chỉ nhớ hồi bé, ngày nào tôi cũng lấy phấn cặm cụi vẽ đầy nhà. Bố hay vẽ cho tôi con rồng và nói đó là mẫu bố thêu ngày xưa. Con rồng phấn trắng trên nền gạch nhà cấp bốn mái ngói cũ, trần cót ép nhiều mưa dột, có quả cầu lửa phun ra từ miệng và gợn lửa, gợn mây điểm dưới những bàn chân xòe móng. Con rồng bay mãi trong thương nhớ của bố tôi suốt đến bây giờ, suốt chặng thời gian Hà Đông, dài hơn nửa đời của bố.

Rồi một dạo học sinh cấp 1 chúng tôi, gần cuối những năm 80, nhà trường yêu cầu đứa nào cũng phải làm phù hiệu, bố lấy vải gấp, khâu thành hình chữ nhật nhỏ, lấy mấy cuộn chỉ màu thêu tên cho anh em tôi. Lớp 6, khi chúng tôi học môn kỹ thuật, ra chợ mua lủng củng những là khung tròn nhỏ, mùi soa trắng với chỉ màu, về tập tành, đâm chọc loạn xạ. Bố còn thêu mẫu cho một khóm hoa lá xinh xinh. Nhưng khi chúng tôi thêu thử thì đã… thậm xấu.

Cả cụ nội và ông nội đều là những người thợ lành nghề. Lại có bà nội tháo vát. Hồi đó ngoài các đồ thêu phổ biến, bà còn nhận thêu phù hiệu, thêu lon đính trên áo cho binh sĩ Pháp. Bà cứ ra ra vào vào trại lính nhận hàng, trả hàng, có những người họ trêu là bà trưởng ở với tây, đẻ ra con lai. Của đáng tội, tóc bà cũng quăn quăn trước trán, và các con bà, mấy người da trắng, mũi cao, dáng thanh.

Lứa chúng tôi, lớn lên ở tận tít cuối thế kỷ cũ, đầu thế kỷ mới, chẳng thể hình dung nổi cụ mình, ông mình từ năm sáu mươi năm trước tay nghề đến đâu và làm lụng thế nào. Chỉ nghe mọi người nói, có một kỳ hội chợ nào đấy ở Đấu Xảo, cụ ngồi thêu thi được giải cao gì đó, nhà tổ chức gắn mề đay cho cụ. Hoặc nhiều năm sau, khi ông nội không còn nữa, người quanh phố Hàng Mành vẫn trân trọng nhắc tên ông - cụ Tiến Bảo.

Bố được ông dạy, vẫn nhớ hồi thanh niên thêu bức chùa Một Cột bằng chỉ đen và trắng, lồng kính treo trong nhà. Ai vào cũng tưởng ảnh đen trắng. Giờ những đồ vật, những kỷ niệm như thế, chẳng còn gì. Nhà tôi qua mấy đời người, đã có bao nhiêu thứ, bao nhiêu điều không giữ lại được.

Phố cổ Hà Nội.

Bố còn nhớ hồi đi học, ở nhà cứ ngồi vào khung thêu thì bác Hải trên bố bốn tuổi lại không cho làm. Đứng lên đi, mày mà làm là cậu bắt giống tao, bắt ngồi nhà làm đấy! Bác Hải nói thế. Bác lại cho bố tiền đi xem xi nê. Hồi đó đã có rạp, có phim cao bồi của Mỹ.

Năm 1946, cả nhà đi tản cư, bác Hải ở lại gia nhập Trung đoàn Thủ đô. Về sau bác hành quân lên Tây Bắc, chiến đấu và hy sinh ở đó. Bác chưa lập gia đình. Không để lại dù một bức ảnh, một lời nhắn, chỉ có giấy báo tử của đơn vị gửi về. Bây giờ, tên bác khắc trên bia đền liệt sĩ phường Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm. Cứ mỗi tháng 6, bố tôi lại nhắc các em, các con chuẩn bị hương hoa để ngày 27/7 mọi người đến thắp hương cho bác.

Bố hay ngậm ngùi nhắc lại chuyện một dạo tiền tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ của bác Hải được cấp cho ông bà theo quý. Sau ông lên xin cho cấp theo tháng. Bố thương ông sau những năm hiệu thêu phát đạt, vật chất đủ đầy, gia cảnh sung túc, là cả thời gian dài thiếu thốn quá, phải bán hay đổi dần đồ trong nhà đi, từ tượng đồng đen, cái sập, đến đôn sứ con voi, những chiếc bình, chiếc thống lớn để trồng quất, đào, và cả cái hộp thuốc lá cứ mở nắp là nhô ra một con chó miệng ngậm điếu thuốc…

Bố tôi cứ chép miệng, một dạo bà bác ở nước ngoài có gửi về nhiều quần áo, nhưng có mấy bộ kiểu tây đầm, cả nhà không dám cho bà nội mặc, giờ nghĩ lại thương, giá cứ để bà mặc cho ấm. Hồi bà tháo hoa tai cho bố mua xe Vĩnh cửu phân phối, bố tính sau cố gắng dành lương để mua lại cho bà. Nhưng rồi bao nhiêu cũng lo cái ăn hết. Bây giờ bố tôi tám mươi, đời sống dễ chịu hơn trước nhiều, nhưng thỉnh thoảng lại không được vui, lại nghĩ cái điều "giá như" cho những năm cuối đời ông bà ở Hàng Mành.

Mỗi lần nhìn ở đâu một hình thêu, lòng tôi lại nao nao nghĩ ngợi. Một tối tấp nập, tôi dắt con gái từ Hàng Mã vòng về Hàng Nón, Hàng Mành, qua đình Tú đình Thị khuất lấp trong ngõ Yên Thái, thờ tổ nghề thêu mà ngày xưa mỗi kỳ giêng hai lễ lạt, ông nội lại áo the khăn xếp cùng các cụ trong phường nghề ra hương khói.

Nhớ một lần tôi hỏi ngày bé bố trông thế nào? Con cứ hình dung một đứa bé tóc để trái đào, quần áo dài, đeo vòng, sáng mùng một Tết cứ phải ở trong nhà, cấm chưa được ra ngoài. Và tôi kể với con gái bé, từ tưởng tượng mơ hồ, ngày xưa bằng tuổi con, ông nội nhà mình đã ở trên những phố này. Tôi mường tượng đâu đây bóng hình con trẻ, thập thò sau cửa hàng một sớm đầu năm. Tiếng cười như lanh lảnh gọi./.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sự quyến rũ của Hồ Gươm trong từng khoảnh khắc đã trở thành cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Trong số đó có nhà báo Hà Hồng, nguyên Trưởng ban Khoa Giáo của Báo Nhân dân, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo Nhân dân, một người con Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.